Bảo mẫu trói trẻ 15 tháng, trẻ bới rác ăn: Còn đâu môi trường sư phạm?
VOV.VN - Bé ăn rác ở Lạng Sơn; bảo mẫu ở Quảng Bình trói trẻ 15 tháng, hai cô giáo ở Hà Nội cãi cọ dùng dao dọa nạt nhau… Giáo dục nước nhà đang thực sự gặp vấn đề.
Dồn dập những thông tin tiêu cực về cách hành xử của giáo viên, học sinh gây chấn động dư luận, khiến nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bất an, lo lắng cho sự an toàn của chính con em mình. Làm cha mẹ, ai có thể nghĩ rằng, một ngày kia con mình bị cô giáo nhốt, đánh, hành hạ đủ kiểu chỉ vì bé đi học chưa ngoan, chưa theo ý muốn của các cô.
Bé bới thùng rác ở Lạng Sơn |
Nghề giáo là nghề cao quí, là nghề trồng người. Đặc biệt ở lứa tuổi mầm non, các cô là người đầu tiên gieo nhân cách cho các con. Nghề giáo cao quý nhưng vất vả và vất vả nhất là với các cô giáo ở bậc mầm non, tiểu học. Ngoài việc rèn cho các con nết ăn, nết ngủ thì việc chăm sóc các con phải tận tụy, chu đáo như người mẹ hiền. Chính vì thế mà những người làm giáo viên mầm non ngoài tình yêu trẻ thì còn không ngại bẩn, không ngại vất vả… Thế nhưng, những gì dư luận được chứng kiến những ngày qua khiến nhiều người phải gọi các cô là “cô báo, cô hổ”!
Hành vi ngược đãi với con trẻ, dù đó là ai, thì cũng đều bị lên án, đặc biệt đó lại là các cô bảo mẫu, những cô giáo mầm non. Bởi lứa tuổi mẫu giáo các con chưa thể ý thức được điều gì, nhiều em đi học chỉ quấy khóc suốt ngày. Chính vì thế, một trong rất nhiều tiêu chuẩn với những người làm mầm non đã được Bộ GD-ĐT nêu trong “Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non” là: “Chăm sóc, giáo dục trẻ bằng tình thương yêu, sự công bằng và trách nhiệm của một nhà giáo”. Vậy mà cô giáo đà nhốt bé la khóc bên ngoài rồi bé nhặt đồ trong thùng rác ăn; trói chân tay, nhét giẻ vào miệng bé...
Đã từng có rất nhiều vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em bị xử lý. Nhưng có lẽ vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe nên mỗi ngày lại xuất hiện thêm một kiểu bạo hành trẻ mà chưa ai từng nghĩ tới.
Bát cơm chan nước mắt của các bé ở mầm non tư thục Phương Anh (Thủ Đức, TP HCM) |
Không chỉ cách hành xử của các cô giáo với con trẻ khiến dư luận bức xúc mà chính cách hành xử của các thầy cô với nhau cũng khiến nhiều người lo ngại. Mới đây thôi ngay tại Hà Nội, hình ảnh hai cô giáo lao vào cãi vã, mang dao ra dọa chém nhau… thêm một vết ố trong môi trường sư phạm. Các cô là nhà giáo, là tấm gương để các em noi theo mà còn hành động như vậy thì bạo lực học đường gia tăng cũng là điều dễ hiểu. Những hành vi, những cách ứng xử thiếu tế nhị, thiếu văn hóa coi thường, mắng chửi học trò và đồng nghiệp ảnh hưởng rất xấu tới các em.
Những người hằng ngày đứng trên bục giảng không chỉ giữ vai trò quyết định trong việc truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học trò mà còn có vai trò đặc biệt trong việc hình thành nhân cách, đạo đức cho học sinh. Sự trưởng thành của mỗi học sinh chính là tấm gương phản chiếu về môi trường học tập với các giá trị đạo đức mà học sinh đó được tiếp nhận thông qua trường học và các thầy cô giáo của mình. Không phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn nói rằng giáo viên như là người mẹ hiền, một người mẹ thứ 2 của học sinh. Chính vì thế mà mỗi lời nói, việc làm của người giáo viên có ảnh hưởng lớn đến tư duy và hành vi của con trẻ.
Vẫn biết những hình ảnh xấu chỉ là “con sâu là rầu nồi canh” nhưng những con sâu ấy đang lấn át cả những hình ảnh đẹp đẽ mà bấy lâu những người tâm huyết với ngành sư phạm dày công xây dựng.
Bộ GD-ĐT đã có Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ban hành quy định đạo đức nhà giáo và phát động các phong trào: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Tuy nhiên vấn đề then chốt vẫn là ở bản thân mỗi thầy cô giáo./.