Bảo tồn như thế này ư?

Có thể một ngày kia, để phục vụ cho việc biểu diễn, hay quay phim, hay lễ hội gì đó; người ta sẵn sàng “bứng” cả Phu Văn Lâu, Kỳ Đài thậm chí là Ngọ Môn, điện Thái Hòa hay bất cứ di tích- kiến trúc nào đi nơi khác…?

Bứng cây trăm tuổi ở di tích để phục vụ lễ hội
Festival Huế 2010 sẽ diễn ra từ ngày 5 đến ngày 13/6/2010. Đây là một sự kiện văn hóa lớn không chỉ của đất cố đô mà của cả nước, với rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, là điểm đến của nhiều du khách và thu hút sự chú ý của báo chí. Những ngày này Huế đang gấp rút chuẩn bị các công việc cho Festival. Tuy nhiên có một công việc phục vụ cho festival hoàn toàn khó tin, khó hiểu, và khó chấp nhận. Ấy là để triển khai dàn dựng sân khấu cho chương trình “Hành trình mở cõi” (diễn ra 1 đêm duy nhất 10/6), ban tổ chức lễ hội đã cho bứng hàng loạt cây đại cổ thụ cả trăm năm tuổi bên ngoài kinh thành, tại vị trí sát hộ thành hào trước kỳ đài.

Đành rằng, chuyện dựng sân khấu và tổ chức không gian biểu diễn cùng thưởng ngoạn nghệ thuật là điều cần thiết cho bất kỳ lễ hội nào; nhưng không có nghĩa là làm gì cũng được và nhẫn tâm với hàng cây như vậy ở trong trường hợp này.

Thứ nhất: Một chuyên gia nông lâm ở Huế cho rằng việc bứng cây nếu không đúng kỹ thuật rất có thể ảnh hưởng đến sức sống và dáng vẻ của cây sau này… Như vậy việc bứng cây đi không lấy gì đảm bảo là cây không bị ảnh hưởng khi thay đổi môi trường sống, và tất nhiên cũng không lấy gì đảm bảo là tất cả số cây bứng đi không có cây nào chết. 

Thứ hai: Những cây đại này (không phải cỏ, cây bụi) nằm trong khu vực bảo vệ di tích. Về nguyên tắc bảo tồn là giữ nguyên trạng; chỉ có những trường hợp bị hỏng hóc, bị phá hủy mới thay thế sửa chữa trên cơ sở giữ lại yếu tố gốc. Cây xanh là một phần của cảnh quan kiến trúc, và hàng cây đại trước kỳ đài chắc chắn không phải tự mọc lên từ đất hoang. Vậy ứng xử thế đã đúng với nguyên tắc bảo tồn và tương xứng với các giá trị văn hóa lịch sử chưa?

Thứ ba: Có đáng không khi phải bứng cả loạt cây như thế để phục vụ cho một đêm diễn, trong khi hoàn toàn có thể chủ động đưa ra nhiều giải pháp, nhiều vị trí khác để dựng sân khấu. Bên cạnh đó khán giả và khách du lịch đến với Huế không chỉ để xem biểu diễn, mà còn để thưởng ngoạn khung cảnh nên thơ nơi đây. “Hô biến” cả hàng cây ngay trước mặt kinh thành, để kiến trúc trơ trọi, như vậy là làm tổn thương nặng nề đến cảnh quan!

Hàng cây đại sát Hộ Thành hào trước Kỳ đài – Kinh thành Huế (Ảnh: Hà Thành)

 (Ảnh: Hà Thành)

Vị trí hàng cây đại sau khi cây được bứng đi nơi khác để lấy chỗ dựng sân khấu Festival (Ảnh: Báo Thanh niên)

“Rồi sẽ trả lại nguyên trạng…” ?

Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Phùng Phu, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: các cây đại sau khi bứng đi sẽ được bảo quản, chăm sóc và trồng lại ngay sau khi chương trình kết thúc… và “Trong các kỳ festival trước chúng tôi cũng đã bứng cây rồi sau đó trả lại nguyên trạng, có ảnh hưởng gì đâu”?

Cách làm và cách giải thích của người đứng đầu Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế thật kỳ lạ. Theo như cách nghĩ đó, tất cả những gì di chuyển được thì cứ di chuyển khi thấy vướng, rồi sẽ đặt lại sau ? Một hàng cây sẽ khác đi, sẽ xấu đi nhiều sau khi được bứng đi trồng lại, điều đó thấy rõ. Và hơn nữa, một hàng cây - di tích được đối xử như những đồ vật tạm thời như thế ư?

Cái ý “trả lại nguyên trạng” của ông kiến trúc sư, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cũng làm nhiều người quan tâm giật mình…

Cách đây chưa lâu, và mọi việc vẫn chưa nguội, báo chí và dư luận lên án quyết liệt đoàn làm phim Trần Thủ Độ lấy lăng vua Minh Mạng và điện Sùng Ân ở đó làm trường quay. Bỏ qua việc không phù hợp về bối cảnh, không gian, ngôn ngữ kiến trúc của hai thời (cuối thời Lý - thời Nguyễn) cách nhau mấy thế kỷ; thì việc đoàn làm phim dẹp bỏ án thờ, bài vị của Vua Minh Mạng và Hoàng hậu Hồ Thị Hoa để dựng trường quay (là phòng ngủ) là không chấp nhận được. Khi bị báo chí và Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc chất vấn, đoàn làm phim và các nhà quản lý đã quanh co, đổ lỗi cho nhau. Bộ Văn hóa - Thể thao – Du lịch thì nói rằng: Bộ không quản lý trực tiếp việc quay phim…; Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Thừa Thiên Huế thì… không biết; UBND Tỉnh Thừa Thiên - Huế thì: đoàn làm phim phải trả lại nguyên trạng di tích ban đầu… Nếu làm xong mà không trả lại nguyên trạng di tích thì lúc đó tôi sẽ có ý kiến (ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế). Còn đơn vị trực tiếp quản lý di tích là Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, mà ông Phùng Phu làm giám đốc viện lý do: “Phim này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt thực hiện cảnh quay. Việc đoàn làm phim thực hiện tại lăng Minh Mạng và có di dời hiện vật như vậy nhưng họ sẽ trả lại nguyên trạng như ban đầu. Nếu quay ở lăng khác cũng làm như vậy thôi. Không lẽ cấm không cho họ làm?”

Theo lối lý luận này thì có lẽ người ta… làm gì cũng được, miễn là: “Trả lại nguyên trạng”. Di sản văn hóa, di tích lịch sử, điện thờ vua… đều có thể phục vụ cho các công tác, hoạt động văn hóa (?) khác một cách tùy tiện, đều có thể bê đi đặt lại, bứng đi trồng lại…

Cho tới giờ, chuyện lăng vua Minh Mạng thành trường quay vẫn chưa kết thúc. Đoàn làm phim và các nhà quản lý vẫn chưa có sự giải trình thỏa đáng; nhân dân Huế và Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cùng hậu duệ vua Minh Mạng vẫn chưa nhận được lời xin lỗi từ những người có trách nhiệm vì  xúc phạm chốn tôn nghiêm.

Trở lại việc bứng hàng cây đại trước Kỳ Đài Kinh thành; có lẽ là một hệ quả tất yếu của lối suy nghĩ, của cách “bảo tồn” như trên. Có thể ở những lần trước người ta đã làm mà không ai biết hoặc ít ai biết, hậu quả không nghiêm trọng, chưa nghiêm trọng. Nhưng đến hai sự việc vừa qua, thì đó là vấn đề cần phải nhìn nhận nghiêm túc. Hai việc này gần nhau về thời gian, ở một quần thể di tích, cùng do một cơ quản quản lý, cá nhân trực tiếp phụ trách – là điều đáng để suy nghĩ.

Bất chợt, trong một nỗi xót xa đến nhói lòng, người viết bài này nghĩ rằng, rồi một ngày kia, để phục vụ cho việc biểu diễn, hay quay phim, hay lễ hội du lịch gì đó; người ta sẵn sàng “bứng” cả Phu Văn Lâu, Kỳ Đài thậm chí là Ngọ Môn, điện Thái Hòa hay bất cứ di tích- kiến trúc nào đi nơi khác; chứ chẳng “nhỏ” như án thờ, bài vị hay một hàng cây… Mọi việc sẽ ổn vì có bùa hộ mệnh: “Sẽ trả lại nguyên trạng”.

Nhưng bao giờ trả lại nguyên trạng? Có trả lại nguyên trạng được không khi việc đó không chỉ làm một lần, không chỉ một chỗ. Sẽ lại có festival, sẽ lại có quay phim… đó là điều chắc chắn. Và có trả lại nguyên trạng được không khi cả di tích và lòng người đã bị tổn thương ?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên