Bảo vệ chủ quyền dân tộc bằng nội lực
Bài học từ sự kiện chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam 47 năm trước vẫn còn nguyên những giá trị lịch sử, kinh nghiệm quý giá, nóng hổi...
Những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1964, nhằm kiếm cớ leo thang chiến tranh ra miền Bắc nước ta, đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Chỉ trong ngày 5/8/1964 Mỹ đã sử dụng gần 100 lượt máy bay hiện đại đánh phá hầu hết các căn cứ của hải quân ta dọc ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Hải quân nhân dân Việt Nam đã cùng với lực lượng phòng không và quân dân miền Bắc mưu trí, dũng cảm đánh trả, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên trên miền Bắc. Sự kiện “đụng đầu lịch sử” giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và hải quân, không quân xâm lược Mỹ 47 năm trước đã đi vào lịch sử, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, nóng hổi...
Trước hết là bài học thường trực tinh thần cảnh giác, tỉnh táo nhận rõ âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, không để bị động bất ngờ, “địch đến là biết, địch vào là đánh”. Với âm mưu gây hấn để tạo cớ, tạo cớ để gây hấn, phát động cuộc chiến tranh leo thang ra miền Bắc, đế quốc Mỹ lúc bấy giờ dựng kịch bản “đụng độ Vịnh Bắc bộ”, và ngay sau đó thực hiện chiến dịch “mũi tên xuyên” huy động lực lượng lớn không quân hải quân đánh phủ đầu các căn cứ hải quân của ta từ Quảng Bình đến Quảng Ninh.
Nhận rõ âm mưu địch, theo dõi sát diễn biến tình hình và dự báo đúng tình hình, Hải quân cùng với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ chủ động thế trận, đánh trả quyết liệt kẻ thù, làm thất bại âm mưu của chúng. Lần đầu tiên phát động chiến tranh leo thang ra miền Bắc, trong một ngày huy động gần 100 lượt máy bay hiện đại đánh phá căn cứ tàu thuyền hải quân ta, địch không tạo ra yếu tố bất ngờ, mà trái lại vấp phải sự đánh trả quyết liệt, rất hiệu quả, được chuẩn bị từ trước, với lưới lửa phòng không nhiều tầng nhiều lớp của quân dân ta.
Bài học thứ hai là đề cao tinh thần tự lực tự cường, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng. 47 năm trước, trong hoàn cảnh lực lượng non trẻ, điều kiện trang bị vũ khí kỹ thuật còn ít ỏi, có phần lạc hậu so với đối phương, nhưng khi kẻ thù cố tình gây hấn và xâm phạm thô bạo chủ quyền vùng biển vùng trời Tổ quốc, Hải quân Nhân dân Việt Nam không ngại hy sinh, bằng phương tiện vũ khí kỹ thuật hiện có và ý chí, cách đánh Việt Nam, đánh đuổi tàu địch ra khỏi vùng biển của Tổ quốc, bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái. Sức mạnh chiến tranh nhân dân, tinh thần hiệp đồng tác chiến được huy động đến mức cao nhất. Lối đánh, cách đánh của nghệ thuật quân sự Việt Nam lấy yếu đánh mạnh, lấy ít thắng nhiều được phát huy hiệu quả.
Bài học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng từ sự kiện “đối đầu lịch sử” 47 năm trước, không thể không nhắc tới, đó là phát huy tinh thần và ý chí sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, khi kẻ thù cố tình gây hấn, xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tinh thần và ý chí đó trở thành thứ vũ khí, nguồn lực vật chất có sức mạnh vô song.
Từ sự kiện lịch sử 5/8/1964, gần nửa thế kỷ qua, Hải quân Nhân dân Việt Nam lớn mạnh, trưởng thành, liên tiếp lập những chiến công to lớn, tô thắm truyền thống Chiến đấu anh dùng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng. Trước diễn biến tình hình biển Đông và khu vực hiện nay vừa có những thuận lợi, vừa có những phức tạp, thách thức, nhiệm vụ xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hiện đại hóa hải quân là để đủ sức tự vệ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị giữa các nước trong khu vực. Hiện đại hóa hải quân, như phát biểu gần đây của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, không gây trở ngại, không nhằm mục đích xâm lấn các nước khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn cán bộ, chiến sỹ lực lượng Hải quân: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là vấn đề chiến lược lâu dài, đòi hỏi cơ mưu và tài thao lược. Chủ quyền dân tộc là tối thượng, bất biến. Giữ vững chủ quyền dân tộc không tách rời củng cố môi trường hòa bình hữu nghị, cùng phát triển giữa các nước láng giềng, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Bảo vệ chủ quyền dân tộc bằng nội lực dân tộc cộng sức mạnh thời đại, sức mạnh chân lý, lẽ phải.
Đầu tư trang bị kỹ thuật hiện đại cho hải quân là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đầu tư cho yếu tố con người. Cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam có truyền thống dũng cảm, ngoan cường, sáng tạo, linh hoạt trong cách đánh, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Những con người ấy được đào tạo theo hướng hiện đại để có đủ khả năng làm chủ thiết bị, vũ khí hàm lượng công nghệ cao, đồng thời luôn luôn biết cách ứng phó trước mọi tình huống, biết cách giữ gìn trọn vẹn vùng biển, vùng trời Tổ quốc, như lời Hồ Chủ tịch từng căn dặn./.