Bất cập và thiếu an toàn
Vào ngày nắng, người dân phải sống chung với bụi bặm, còn ngày mưa thì tình trạng lụt lội, tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra.
Đến các chung cư, khu đô thị mới ở Hà Nội, điều dễ nhận thấy là hệ thống đường vào hầu hết đều trong tình trạng chưa hoàn thiện. Cụ thể như các khu đô thị Pháp Vân, Định Công, Mỹ Đình, Việt Hưng… dù người dân đã đến sống từ rất lâu song hệ thống đường đi trong nội bộ khu dân cư và phần ráp nối với các khu vực của thành phố vẫn ngổn ngang, bề bộn. Bên cạnh đó, người dân còn bị “ tra tấn” bởi tiếng ồn từ các công trường sát vách những tòa nhà chung cư.
Tiến sĩ – Kiến trúc sư Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để khắc phục tình trạng này cần phải có mục tiêu phát triển từng khu vực, không vì bất kỳ một lý do nào mà cho phép triển khai công trình xây dựng trước khi có hạ tầng kỹ thuật: “Hạ tầng kỹ thuật bắt buộc phải đi trước một bước ở tầm toàn thành phố, toàn khu vực và dự án đầu tư phát triển đô thị. Tránh trường hợp hạ tầng kỹ thuật manh mún, thậm chí có những trường hợp chưa hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật vẫn cho phép phát triển các công trình xây dựng vì một tiến độ nào đó. Điều này tạo ra những điều kiện vô cùng bất cập”.
Trên thực tế, nhiều khu đô thị, chung cư mới vẫn đang được triển khai theo quy trình ngược, xây dựng nhà ở trước, đưa dân về ở rồi mới phát triển hạ tầng kỹ thuật, điều này trái với quy định và tạo ra những bất cập.
Ngoài hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay ở các khu đô thị mới, khu chung cư. Dãy nhà N khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Người dân về ở từ năm 2003, tới nay đã hơn 6 năm, số dân đã lên đến hơn 7.000 người nhưng hạ tầng xã hội vẫn chưa được hoàn thành. Cả khu vực không có chợ dân sinh hay siêu thị, trạm xá, 16 tổ dân phố chỉ được cấp một căn phòng 70 m2 cho sinh hoạt tập thể… Không chỉ có thế, các công trình công cộng tạo nên không gian trong nội bộ bị chiếm dụng để kinh doanh.
Ông La Văn Hà, một người dân sống tại khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính cho biết: “Kể cả trên sảnh, trên vườn hoa, cụ thể như nhà 4 A-B, trên vườn hoa là hàng trăm cái ô tô đậu ngày đêm. Đường đi vào khu dân cư xe đỗ bừa bãi, lấp hướng nhìn của người dân nên thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn”.
Tại các khu chung cư, hoả hoạn luôn là nỗi lo lớn nhất của người dân, đặc biệt sau khi vụ cháy toà nhà 18 tầng JSC 34 xảy ra, làm chết 2 người. Nhà N3A - khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính- Hà Nội có 130 hộ đang cư trú. Song, theo phản ánh của các hộ dân, từ khi đến ở, ngoài quyết định bán nhà, họ không nhận được bất kỳ thông báo hay tài liệu hướng dẫn nào của Ban Quản lý toà nhà về việc phòng chống cháy nổ.
Đại tá Nguyễn Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết, công tác phòng cháy chữa cháy ở nhà cao tầng rất khó khăn: “Nhà cao tầng phải trang bị hệ thống chữa cháy, xây dựng những cầu thang, lối thoát nạn, an toàn. Thí dụ, hành lang thoát nạn phải đảm bảo người đi được, không bị nhiễm khói, nhiệt lửa, đủ điều kiện cho người dân tự thoát ra, chứ phương tiện chữa cháy cho dù có cao đến mấy cũng chỉ đến tầng 17, 18”.
Ngoài nỗi lo về cháy, những sự cố khác như hỏng hóc thang máy, nhà thấm, dột, cháy bóng đèn cầu thang, bơm nước trục trặc, nước thải tồn đọng... là chuyện thường xuyên ở các chung cư.
Triển khai được một dự án khu đô thị, khu chung cư mới, chủ đầu tư phải qua đủ các cấp thẩm định và những quy định ngặt nghèo. Nhưng những công trình với nhiều sai phạm vẫn xuất hiện, phải chăng việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đang bị buông lỏng?/.