Bất ổn từ những cây cầu

Vụ tai nạn trên cầu Ghềnh ở Đồng Nai cho thấy, đầu tư xây dựng những chiếc cầu mới, dành riêng cho đường sắt hoặc đường bộ là một yêu cầu cấp thiết.  

Giao thông và tai nạn giao thông ở Việt Nam lâu nay là một vấn đề luôn nóng bỏng. Vụ tai nạn giao thông kinh hoàng giữa tàu Thống Nhất SE2 với hàng loạt xe ô tô xảy ra trên cầu Ghềnh thuộc thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai càng bộc lộ rõ sự bất ổn.

Có thể nói rằng, các tuyến giao thông của chúng ta hiện nay đều tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Mỗi ngày có hàng chục vụ tai nạn giao thông xảy ra, làm cho hàng chục người chết hoặc bị thương. Nguyên nhân từ phía hạ tầng giao thông cũng có, từ phía những người thực thi nhiệm vụ, từ các cấp chính quyền, các ngành chức năng và từ phía người tham gia giao thông cũng có.

Trở lại vụ tai nạn giao thông đường sắt giữa tàu Thống Nhất SE2 và 6 chiếc ô tô trên cầu Ghềnh, thuộc Bửu Hoà, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai vào lúc 19h34’ đêm mùng 4 Tết (tức mùng 6/2) vừa qua. Nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn được cơ quan Cảnh sát điều tra, công an tỉnh Đồng Nai nhận định là do lỗi của nhân viên chắn tại 2 đầu cầu. Thời điểm xảy ra vụ tại nạn, nhân viên giữ chắn 2 đầu cầu Ghềnh không tuân thủ quy định điều khiển đèn tín hiệu. Do đó đã có lượng lớn ô tô ở 2 đầu lưu thông  vào lòng cầu, trên tuyến đường sắt, không bên nào chịu nhường bên nào và gây nên ách tắc giao thông giữa cầu, khi tàu SE2 đến các nhân viên giữ chắn không ra được tín hiệu chưa thông cầu nên đoàn tàu SE2 vẫn đi vào cầu gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Vụ tai nạn đã khiến 2 người đã chết, 26 người bị thương, 6 chiếc ô tô bị hư hỏng hoàn toàn. Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 7 người có liên quan đẻ phục vụ cho công tác điều tra. Nguyên nhân của vụ tại nạn đã phần nào được sáng tỏ, trách nhiệm của các bên đã được xác định, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để những vụ tai nạn tương tự không còn xảy ra?!

Cầu Ghềnh là một trong hàng chục chiếc cầu trên cả nước vừa có đường bộ, vừa có đường sắt chạy qua. Hầu hết những chiếc cầu này đều được xây dựng cách đây cả trăm năm, lòng cầu dành cho các phương tiện đường bộ hẹp, đường sắt cũng chỉ vừa vặn một thân tàu. Ô tô muốn qua cầu phải đi vào phần đường sắt và cũng chỉ đi được một chiều, xong chiều này thì ô tô hướng ngược lại mới được lưu thông. Bởi vậy, muốn đảm bảo an toàn giao thông thông suốt đòi hỏi phải luôn có lực lượng vận hành ứng trực, có sự phối hợp nhịp nhàng ở 2 đầu cầu và ý thức của những người điều khiển phương tiện. Khi tàu xuất phát ở 2 đầu ga, theo quy trình vận hành, tín hiệu cầu lập tức yêu cầu các phương tiện dừng lưu thông trong lòng cầu. Khi trong lòng cầu không còn phương tiện dừng lưu thông mới bật tín hiệu thông cầu để tàu chạy qua. Với những yêu cầu chặt chẽ như vậy nên chỉ cần một sơ xuất nhỏ, không phối hợp ăn ý giữa các bên là có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Vụ tai nạn trên cầu Ghềnh tuy lỗi chủ yếu là do nhân viên giữ chắn 2 đầu cầu, nhưng giá như những người điều khiển phương  tiện đường bộ biết nhường nhịn nhau, có ý thức hơn; giá như lái tàu tuân thủ quy định tín hiệu thông cầu và quan trọng là giá như có tuyến đường bộ, đường sắt riêng thì chắc chắn chúng ta không phải chịu hậu quả nặng nề như vậy.

Hiện nay, còn một số cây cầu vẫn tồn tại song song cả đường bộ và đường sắt như cầu Phú Lương, thuộc tỉnh Hải Dương, cầu Tam Bạc thuộc thành phố Hải Phòng, cầu Phố Lu thuộc tỉnh Lào Cai, cầu Tháp Chàm thuộc tỉnh Bình Thuận. Tuy từ trước đến nay chưa có tai nạn nào nghiêm trọng như vụ xảy ra trên cầu Ghềnh, nhưng thường xuyên có tình trạng ách tắc, ùn ứ giao thông. Điều đó cho thấy, rõ ràng nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn từ những cây cầu như thế này. Do đó, đầu tư xây dựng những chiếc cầu mới, dành riêng cho đường sắt hoặc đường bộ là một yêu cầu cấp thiết.

Cùng với đó là việc nâng cấp hạ tầng giao thông, phân chia hợp lý những  điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật An toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, tránh để xảy ra những vụ tại nạn giao thông thảm khốc khác đang từng ngày rình rập trên các tuyến đường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên