Bất ổn việc quản lý xăng dầu
Giá xăng dầu trên thế giới hiện đã giảm đến mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay. Vậy mà, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn kêu lỗ và được sự giải thích đồng tình của Bộ Tài chính nên vẫn chưa chịu giảm giá bán lẻ xăng dầu
Từ cuối năm 2009, thực hiện Nghị định 54/CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã 5 lần điều chỉnh giá xăng dầu tức thì mỗi khi giá xăng dầu trên thế giới tăng cao. Thế nhưng, hiện nay, giá xăng dầu trên thế giới giảm đến mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay nhưng các doanh nghiệp xăng dầu vẫn chưa giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng vì còn kêu lỗ. Vậy có phải doanh nghiệp còn lỗ?
Xin đơn cử một ví dụ. Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phần lớn nhập xăng dầu theo quý. Riêng trong quý 1/2009, doanh nghiệp này nhập xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới tụt xuống chỉ còn hơn 60 USD/thùng, nhưng trong quý 2, giá xăng dầu thế giới tăng, và Liên bộ Tài chính- Công thương đã điều chỉnh 5 lần tăng giá xăng và 4 lần tăng giá dầu, vậy là, doanh nghiệp này đương nhiên bán giá cao cho người tiêu dùng, nhưng thực ra, giá nhập xăng dầu vẫn là giá thấp. Vậy là, việc kêu lỗ và kiến nghị được nhà nước bù lỗ của các doanh nghiệp đa phần là lỗ ảo với giả thiết phải nhập hàng giá cao.
Quản lý giá xăng dầu tại Việt Nam hiện nay còn nhiều bất ổn (ảnh VNE) |
Một sự việc khác cũng cần nêu ra là, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện niêm yết và công khai bảng giá cơ sở bán lẻ xăng nhưng các con số mà doanh nghiệp đưa ra còn mù mờ, chưa thể có đủ căn cứ phân tích, doanh nghiệp này nói lỗ- lãi là đúng hay sai.
Từ những sự việc vừa nêu cho thấy, doanh nghiệp luôn vì lợi nhuận. Cho nên việc doanh nghiệp lúc nào cũng báo lỗ là điều dễ hiểu. Do đó, để thực hiện tốt Nghị định 54/CP của Chính phủ, Bộ Tài chính cần quản lý chặt chẽ hơn các chi phí trong kinh doanh xăng dầu như: giá đầu vào, giá cước và định mức hao hụt vận chuyển.v.v… Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tổ chức các cuộc kiểm toán độc lập các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhằm đánh giá lại chi phí giá xăng dầu.
Mặt khác, theo Nghị định 54/CP, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối về việc quản lý giá bán xăng dầu và xử lý Quỹ Bình ổn giá. Được biết, thời gian qua, hàng nghìn tỷ đồng từ Quỹ này đã phải chi cho doanh nghiệp xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu.
Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2010, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu hai bộ Công thương và Tài chính phải thực hiện ngay việc kiểm tra, kiểm soát đối với việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá, và việc điều chỉnh giá bán xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, trước đó, Bộ Tài chính đã cấp bù lỗ nhiều tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu. Nhưng theo công bố của Kiểm toán Nhà nước, qua kiểm toán 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu thì Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính trên 1.025 tỷ đồng, trong đó thu hồi số tiền cấp bù lỗ trái quy định các mặt hàng dầu 87 tỷ đồng, giảm quyết toán, giảm cấp bù lỗ các mặt hàng dầu năm 2008 từ ngân sách Nhà nước 938 tỷ đồng. Tuy vậy, những cán bộ tài chính gây thất thoát trong vụ này cũng chưa bị xử lý kỷ luật.
Hiện nay, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), là một trong hơn 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhưng lại chiếm tới 70% thị phần. Do vậy, để giảm độc quyền trong kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84 của Chính phủ, Bộ Công thương cần khuyến khích cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia kinh doanh xăng dầu. Như thị trường viễn thông trong những năm qua, nhờ có nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh với sự cạnh tranh lành mạnh đã đem lại nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng.
Hy vọng rằng,trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 54 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, những hạn chế, tiêu cực trong công tác quản lý, kinh doanh xăng dầu cần được xử lý nghiêm để việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước ngày càng lành mạnh hơn. Người tiêu dùng chấp thuận với cơ chế thị trường, khi giá xăng dầu trên thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng. Và ngược lại, khi giá xăng dầu trên thế giới giảm thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần kịp thời điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng./.