“Bẫy” trên mạng

Giờ đây, chỉ cần một cái click chuột, bất cứ ai cũng có thể phát tán thông tin trên Internet và người ta có thể dễ dàng trở nên “nổi tiếng”.

Nổi tiếng có thể bởi nhiều lẽ: nổi tiếng vì những phát ngôn gây sốc, vì sự cố “lộ hàng”, nổi tiếng do tổ chức một đám cưới “khủng”; hay đơn giản hơn, nổi tiếng là do “khác người”…

Có những sự nổi tiếng mang lại niềm vui, sự thành công khi đạt được mục đích, nhưng cũng có những sự nổi tiếng trở thành… tai tiếng khi đem lại những rắc rối, những lời thị phi, thậm chí còn khiến người ta khuynh gia bại sản.

Mới đây, một đoạn clip là bài thi học kỳ năm thứ nhất của một sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh bỗng chốc trở thành đề tài gây sốc và bị cư dân mạng “ném đá” gay gắt ngay khi xuất hiện trên Youtube (trang web chia sẻ hình ảnh trực tuyến) bởi những hình ảnh được cho là “gợi dục”. Trước những phản ứng này, chủ nhân của nó cũng “sốc” không kém khi không ngờ rằng, việc đưa bài thi của mình lên Internet lại gây ra hậu quả tai hại đến thế. Nhưng hối hận thì cũng đã muộn, bởi sự đã rồi.

Đáng lẽ, đoạn clip này sẽ chỉ là bài thi học kỳ năm thứ nhất, nếu như tác giả của nó không đưa lên Youtube với mục đích để bạn bè xem và cho ý kiến. Bài thi trước đó đã bị điểm kém, cùng với lời nhận xét là chưa chuyển tải được hết thông điệp khi sử dụng ngôn ngữ của điện ảnh. Tuy nhiên, cư dân mạng lại khắt khe hơn thế nhiều.

Một đoạn video clip không đầu, không cuối với thời lượng gần 10 phút với nội dung đề cập một vấn đề nhạy cảm, ắt dễ khiến người ta hiểu lầm. Và dù chàng sinh viên này sau đó có ra sức thanh minh cho mình rằng đây chỉ là một bài thi học kỳ, rằng thông điệp của mình chưa được chuyển tải hết, cũng không thể tránh được búa rìu của dư luận.

Sau “sự cố” này, hẳn người sinh viên nọ đã rút ra cho mình  một bài học đau xót, khi không lường được những hậu quả của việc đưa ra những thông tin cá nhân và những sản phẩm tinh thần của mình lên mạng một cách tùy tiện.

Cùng chung cảnh ngộ, một đoạn clip trên Youtube gần đây cũng đang trở thành một đề tài gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, nhân vật chính của nó, trước đó vốn đã là một người nổi tiếng - một giảng viên, một vị tiến sỹ ở một trường đại học có tiếng, được đánh giá là có trình độ chuyên môn cao, có năng lực diễn giải các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng một cách dễ hiểu.

Đoạn clip này ngay lập tức nhận được nhiều lời chỉ trích, bởi nội dung có nhiều câu văng tục và những hình ảnh ám chỉ chuyện vợ chồng. Song, có những người lại cho rằng, đây là buổi nói chuyện hay, thú vị, chẳng có gì phải ầm ĩ. Tuy nhiên, ở sự cố này, đằng sau vấn đề đạo đức của người thầy còn đang gây nhiều bàn cãi, lại là một vấn đề khác, đó là sự dễ dãi và ngộ nhận của nhiều người khi đưa những thông tin của mình lên Internet. Và chính họ đã phải gánh chịu hậu quả của nó.

Một bà Viện phó của Viện Quản trị Kinh doanh, Đại học FPT đã từng khẳng định rằng, những học viên của lớp học đều là những người tuổi trên 28, họ có đủ khả năng để lọc những thông tin bổ ích cho mình. Song liệu rằng, nhận định đó có còn đúng khi clip đó được công khai trên mạng, nơi mà một người như bà hiểu chắc chắn rằng, đối tượng tiếp cận không thể chỉ gói gọn trong số đó.

Thời của Internet là thế, công nghệ thông tin là thế, có những mũi tên bay đi trúng đích, cũng lại có những mũi tên phản chủ khi quay lại là bằng chứng tố cáo chính chủ nhân của nó. Bất kỳ một thông tin cá nhân nào khi phát đi, đều đã đóng dấu bản quyền trong đó và người cung cấp thông tin phải là người chịu trách nhiệm với chính những thông tin đó của mình. Và một mặt trái của Internet là cư dân trên mạng có thể sẽ “dìm chết” bất cứ một cá nhân nào nếu cá nhân đó nói “trái” với định kiến của một số đông. Ở nước ta, dù Internet đã trở thành phổ cập nhưng dường như, không phải ai cũng biết đến điều đó.

Internet không phải là chiếc thùng không đáy như nhiều người vẫn nghĩ. Nó có quy luật sàng lọc và lựa chọn thông tin riêng của nó, phụ thuộc vào trình độ tri thức, phông văn hóa… của từng đối tượng tiếp cận. Bởi vậy, mỗi người trước khi đưa thông tin lên mạng nên cân nhắc kỹ để tránh trở thành “người nổi tiếng” không mong muốn./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên