Bị lừa đảo qua mạng: Hám lợi hay thiếu hiểu biết?
(VOV) -Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều công ty lừa đảo qua mạng bị phát giác mà nhiều người vẫn “bị lừa”?
Lại có thêm một công ty bị phát giác do sử dụng chiêu trò lừa đảo dưới hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng Internet- đó là Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư Công nghệ Thăng Long, ở phố Thái Thịnh 2, quận Đống Đa- Hà Nội. Đây là vụ việc đầu tiên trong năm 2013 bị phát giác, nhưng lại là vụ việc thứ… n ở Việt Nam.
3 đối tượng là các Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kế toán trưởng của Công ty Thăng Long đều bị Công an quận Đống Đa (Hà Nội) khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet của hơn 500 người, với số tiền lên tới 7 tỷ đồng. Đây là bài học đích đáng cho những kẻ lợi dụng tiện ích của Internet - những mong làm giàu bằng hình vi lừa đảo.
Tuy nhiên, điều đáng nói là hành vi lừa đảo của các đối tượng hoàn toàn không mới. Vẫn chỉ là hình thức kinh doanh đa cấp mà bấy lâu nay nhiều Công ty khác áp dụng và đã bị đổ bể. Công ty Thăng Long đề ra quy định để trở thành thành viên, khách phải mua một gian hàng “ảo” trên mạng của công ty này với mức giá từ 1 triệu đến 10 triệu đồng.
Giá tiền mua gian hàng càng cao thì mức trả thưởng càng lớn. Cụ thể nếu mua gian hàng “ảo” với giá 1 triệu đồng, khi giới thiệu người khác tham gia khách được hưởng 20% lợi nhuận và cứ thế tăng lên đối với các gian hàng “ảo” có giá từ 2 triệu đến 10 triệu đồng.
Cũng với kiểu lừa đảo này, MB 24, Thế Giới Mới hay Tâm Mặt Trời đã từng bị lật tẩy trong năm 2012. Những kẻ “chóp bu” của các công ty này đều bị pháp luật “sờ gáy” bằng việc khởi tố, bắt tạm giam và phạt tù, nhẹ thì cũng vài năm và nặng nhất lên tới mức tử hình.
Nhưng có lẽ do “mờ mắt” vì đồng tiền, nên sau khi các vụ việc này bị phát giác, Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư Công nghệ Thăng Long vẫn ngang nhiên hoạt động và tiếp tục lừa đảo. Bởi vậy cho nên những lãnh đạo Công ty này mới bị khởi tố, bắt tạm giam và sắp tới là phải hầu toà.
Nhưng chuyện đáng bàn ở đây là dù thời gian qua, các vụ việc như Thế Giới Mới hay Tâm Mặt Trời và đặc biệt MB 24 đã rất rùm beng và bị báo chí liên tục phanh phui, nhưng vẫn có rất nhiều người tiếp tục bị lừa. Do họ hám lợi hay do thiếu hiểu biết?
Ai cũng biết, kinh doanh đa cấp không còn xa lạ tại Việt Nam, đặc biệt trong những năm gần đây. Từ mô hình kinh doanh này, nhiều trò lừa đảo đã nảy sinh. Dưới danh nghĩa sàn thương mại điện tử, khá nhiều công ty đang bán hàng đa cấp trá hình. Trong số những người đổ tiền vào đây và nhận kết quả cay đắng là mất toàn bộ tiền, ngoài một số người thiếu hiểu biết, thì đa số đều là sinh viên. Vậy là đã rõ, những sinh viên này bị mất tiền chỉ vì “ham làm giàu nhanh chóng”.
Việc Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư Công nghệ Thăng Long bị phát giác, thêm một lần nữa lại gióng lên một hồi chuông cảnh báo với những ai nhẹ dạ cả tin và với những kẻ kinh doanh - những mong làm giàu bằng hành vi lợi dụng tiện ích của Internet để lừa đảo.
Chỉ đơn cử như Công ty Tâm Mặt Trời, Công ty này có hẳn một đội ngũ kỹ thuật cao và ban cố vấn chiến lược là những chuyên gia hàng đầu về thương mại điện tử. Lẽ ra những nhân viên kỹ thuật cao và những chuyên gia hàng đầu này phải làm việc để tạo ra lợi nhuận cho xã hội theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, thì họ lại nhắm mắt làm lợi cho kẻ xấu và phục vụ mục đích xấu.
Còn nhớ, chỉ mới đây thôi, chuyện lùm xùm xung quanh việc xung đột quyền lợi trong nội bộ, dẫn đến việc đóng cửa, không hoạt động của Công ty Nhóm mua đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn khách với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nhưng các cơ quan chức năng lại đùn đẩy trách nhiệm và cho rằng đây là hình thức hoạt động mới xuất hiện ở Việt Nam, chưa có văn bản pháp luật quy định.
Dư luận cũng đang đặt ra câu hỏi là tại sao nhiều công ty bị phát giác như vậy mà tình trạng này vẫn tái diễn? Phải chăng chúng ta còn thiếu những quy định chặt chẽ về mặt pháp luật? Phải chăng các chính sách pháp luật của chúng ta còn chưa theo kịp với những biến chuyển của thời cuộc?
Số tiền mà người dân bị lừa, bị mất trong mỗi vụ việc bao giờ cũng lên đến hàng tỷ đồng, nhưng tại sao các cơ quan chức năng chưa có biện pháp mạnh để ngăn chặn? Có lẽ chỉ khi nào những câu hỏi này được giải đáp thì những vụ lừa đảo mới mong được chấm dứt./.