Bình tĩnh, sáng suốt và quyết tâm cao

Không phải ngẫu nhiên mà trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi 4 vấn đề vừa thông qua là: “rất khó, phức tạp, nhạy cảm và rất quan trọng”.

Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa bế mạc, nhân dân cả nước kỳ vọng về một sự thay đổi khi một số vấn đề quan trọng của đất nước được nhất trí thông qua như: Sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1992; Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai; Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng lãng phí và một số vấn đề về chính sách xã hội, tiền lương…

Song để sự kỳ vọng ấy trở thành hiện thực, điều cần thiết lúc này là một sự bình tĩnh- sáng suốt và quyết tâm cao ở mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ ở vị trí chủ chốt. 

Không phải ngẫu nhiên mà trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi 4 vấn đề này là: “Những vấn đề rất khó, phức tạp, nhạy cảm và rất quan trọng”.

Vì vậy, khi Hội nghị Trung ương 5 nhất trí thông qua một số chủ trương về các vấn đề lớn đối với sự phát triển của đất nước, cán bộ Đảng viên có quyền đặt niềm tin vào sự quyết định đó.

Toàn cảnh hội nghị

Hiến pháp sẽ được sửa đổi bổ sung một cách thận trọng, khoa học trên cơ sở kế thừa thành tựu của hơn 60 năm xây dựng đất nước, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định.

Các chính sách xã hội, công tác chăm lo đời sống người có công, những bất cập về tiền lương, bảo hiểm xã hội rồi sẽ sớm được khắc phục khi có sự chung tay của các Bộ ngành, địa phương.  Là thứ tài sản đặc biệt quan trọng của quốc gia, sự hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về đất đai là hết sức cần thiết để phát huy tiềm năng đất đai phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.

Điểm mới của Hội nghị lần này là Đảng ta đã nhận thức rõ ràng hơn, quy định rành mạch hơn sự khác nhau giữa quyền sở hữu đất và quyền sử dụng đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đối với từng loại đất. Đó sẽ là cơ sở để chính sách pháp luật về đất đai sát hơn với cuộc sống.

Nói thế để thấy rằng, thật có lý khi trong phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu một loạt câu hỏi: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp, tệ tham nhũng liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi? Vì sao gần 70% số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai? Đâu là lỗi ở hệ thống chính sách pháp luật, đâu là lỗi do việc tổ chức thực hiện yếu kém; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?

Một vấn đề được cán bộ đảng viên cả nước quan tâm trong những ngày diễn ra Hội nghị là những đánh giá của Trung ương về hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua.

Việc Trung ương nhất trí thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban được xem là một quyết định mang tính đột phá nhằm tạo sự thay đổi căn bản về bộ máy tổ chức cũng như cơ chế vận hành của cơ quan này. Quyết định này một lần nữa thể hiện quyết tâm cao của Trung ương trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với mong muốn đạt kết quả cao hơn, tốt hơn.

“4 vấn đề rất khó, nhạy cảm và rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đã được Hội nghị Trung ương 5 tìm ra lời giải. Vấn đề là cách thức triển khai như thế nào cho hiệu quả mà thôi.

Sau Hội nghị sẽ là việc tổ chức học tập, quán triệt đến từng tổ chức cơ sở Đảng, đến tận đảng viên. Điều đó là cần thiết và phải làm một cách có trách nhiệm. Nhưng một khi đã xác định đây là những vấn đề khó, vấn đề nhạy cảm thì chắc hẳn mỗi Ủy viên Trung ương trước khi biểu quyết thông qua, đã dự liệu những khó khăn thách thức sẽ gặp phải tùy từng cương vị công tác.

Càng khó càng phải quyết tâm cao, càng phức tạp, nhạy cảm càng cần phải bình tĩnh và sáng suốt. Bởi suy cho cùng, thành công hay thất bại của các chủ trương, Nghị quyết sẽ là thước đo sự tín nhiệm của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công tác điều hành của Chính phủ và việc kiểm tra, giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên