Bộ Ngoại giao Mỹ không nên làm vậy
(VOV) -Việc Mỹ tôn vinh Tạ Phong Tần là hành động đi ngược lại nỗ lực của 2 bên nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức một buổi lễ trao giải mang tên “Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế”. Trong danh sách 9 người nhận giải có Tạ Phong Tần - một blogger bị Nhà nước Việt Nam kết án tù do có các hành vi tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam. Một quốc gia này vinh danh cá nhân là phạm nhân của một quốc gia khác, chẳng khác cách mà dân gian thường nói, là “thương vay, khóc mướn”.
Người mà Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh cho cái gọi là “phụ nữ dũng cảm” thực chất là một công dân Việt Nam đã bị kết án tù. Vào tháng 9 năm ngoái, Tạ Phong Tần bị kết án 10 năm tù giam vì tội tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam và bản án đã được giữ nguyên trong phiên phúc thẩm vào tháng 12 năm ngoái.
Theo Hội đồng xét xử, Tạ Phong Tần đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ, tạo dựng blog “Câu lạc bộ nhà báo tự do” nhằm xuyên tạc sự thật, nói xấu Đảng, Nhà nước, tranh thủ lôi kéo các phần tử có tư tưởng chống đối nhằm âm mưu lật đổ chính quyền.
Ngày 9/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “Việt Nam phản đối quyết định trao giải cho một cá nhân đã vi phạm pháp luật Việt Nam” |
Hành vi phạm tội của Tạ Phong Tần là đặc biệt nghiêm trọng, tác động xấu đến an ninh quốc gia, cũng như hình ảnh của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, Tạ Phong Tần đã “đóng góp phi thường” cho việc đấu tranh vì tự do, nhân quyền! Không hiểu chính quyền Mỹ đã nhìn sự việc qua lăng kính nào mà thể hiện quan điểm như vậy?
Với việc làm này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức hóa quan điểm ủng hộ nhân vật vi phạm luật, chống phá Nhà nước Việt Nam bằng một giải thưởng. Rõ ràng, Mỹ đã tự cho mình cái quyền được phán xét và can thiệp vào công việc của quốc gia khác.
Còn nhớ, hồi tháng 9/2011, Tạ Phong Tần cũng từng được Tổ chức Bảo vệ nhân quyền (Human Rights Watch), trụ sở ở Mỹ, trao giải dành cho giới cầm bút trên thế giới bị đàn áp vì đấu tranh cho nhân quyền. Phải chăng Tạ Phong Tần có được những “ưu điểm” phù hợp với ý đồ, lợi ích của phía Mỹ?
Tiêu chí của Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế mà Bộ Ngoại giao Mỹ trao tặng hàng năm là nhằm tôn vinh những gương mặt phụ nữ trên thế giới, được đánh giá là đã đặc biệt thể hiện lòng dũng cảm trong việc đấu tranh cho nữ quyền, bất chấp nguy hiểm. Thật đáng tiếc là các nhân vật được trao giải không phải lúc nào cũng đúng với tiêu chí này và trường hợp của Tạ Phong Tần là một ví dụ. Đơn giản là bởi vì Mỹ đã áp đặt cách nhìn của Mỹ trong việc chọn lựa đối tượng trao giải, bất kể đó là ai, ở quốc gia nào.
Trong bối cảnh mối quan hệ Việt- Mỹ thời gian gần đây đã có những bước phát triển tốt đẹp, việc Mỹ tôn vinh một nhân vật như Tạ Phong Tần là hành động đi ngược lại những mong muốn và nỗ lực của 2 bên nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi.
Có lẽ, Việt Nam và Mỹ vẫn cần thêm nữa những cơ chế trao đổi để cùng hiểu biết và tôn trọng sự khác biệt lẫn nhau, tránh để tiếp diễn những câu chuyện “thương vay, khóc mướn” cho một số nhân vật vi phạm pháp luật Việt Nam, làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ hai nước./.