Bóc vùng cấm để truy trách nhiệm
VOV.VN -Chỉ một thời gian rất ngắn, chúng ta thấy gần như một lúc những “cái xấu” của nhiều ngành, lĩnh vực đã được đưa ra ánh sáng.
Liên tục trong thời gian gần đây, báo chí và dư luận được chứng kiến những hành động quyết liệt của một số Bộ trưởng, tư lệnh ngành đối với nhiều lĩnh vực từ xưa vẫn xem là cấm, nhạy cảm. Sự quyết liệt và truy dồn trách nhiệm của người đứng đầu đã khiến nhiều yếu kém, bất cập của một số ngành bị phơi bày trước bàn dân thiệt hạ. Buộc phải thay đổi để tổn tại và phát triển, với cách chỉ đạo như thế, người dân đã có cơ hội chứng kiến và giám sát sự thay đổi về tư duy, nhận thức và cả ý thức trách nhiệm của lãnh đạo không ít lĩnh vực, ngành.
Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, tư lệnh ngành giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phải gồng mình với cả 3 mặt trận nóng bỏng: Hàng không, đường bộ và đường sắt.
Hàng không bắt đầu với chuyện hủy chuyến, chậm chuyến. Truy đến tận cùng về chuyên môn, dư luận mới thấy bức tranh thật về tăng trưởng nóng của ngành Hàng không, dịch vụ hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu, nhân viên vô cảm, bàng quan gây bức xúc cho khách hàng, rồi thì không thể che dấu, Cục Hàng không phải thừa nhận: “Chậm, hủy chuyến bay do chủ quan toàn ngành là 90%”.
Đối với Đường bộ, trước căn bệnh trầm kha đường lún, đường kém chất lượng, Bộ trưởng Đinh La Thăng liên tiếp “bắt lỗi”, “ trói” trách nhiệm với nhà thầu, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Cục giám sát chất lượng công trình. Bộ trưởng chỉ rõ những cái bắt tay ngầm, chỉ thẳng những biểu hiện tiêu cực như đòi tỷ lệ phần trăm, thi công kiểu đối phó...
Trước đó, vì quá sốt ruột về sự trì trệ của ngành Đường sắt, Bộ trưởng đã có những chỉ trích gay gắt đối với ngành này, thậm chí ông còn ví von rằng ngành Đường sắt trồng sung rồi ngồi chờ sung rụng, làm việc theo kiểu “quả trứng - con gà”.
Thế mới thấy, ngành Giao thông nóng đến thế nào. Đụng vào đường thì đường lún, sờ đến cầu thì cầu vừa khánh thành đã nứt, chạm vào ngành đường sắt thì phải chua chát khi làm ăn kiểu quan liêu, bao cấp, sang đến ngành Hàng không thì hàng không vô cảm, hủy chuyến, chậm giờ, có sự cố đậu nhầm sân bay mà vẫn còn bao biện, dối trá.
Câu chuyện ngành Giao thông liên tục bị phơi ra ánh sáng những yếu kém của mình còn kể đến 2 ngành vốn luôn có tiếng là “nhạy cảm” khác đó là thuế và hải quan. Cuộc làm việc của Thủ tướng với 2 ngành này cuối tuần trước “vỡ” ra nhiều điều đáng suy ngẫm. Đó là đã qua bao lần cải tiến, cải lùi nhưng thời gian nộp thuế một năm của mỗi doanh nghiệp Việt Nam vẫn đứng đội sổ trong khu vực, lên tới 872 giờ, cao hơn cả 2 nước bạn Lào và Campuchia.
Ngành Hải quan tình hình cũng chẳng khá hơn khi khi thời gian thực hiện thủ tục hải quan trong xuất khẩu của chúng ta đang là 4 ngày, cao gấp hai lần bình quân khu vực. Nếu vẫn so sánh với Lào, Campuchia, 2 nước bạn chỉ mất bình quân chỉ 1-3 ngày. Đó là xuất khẩu, còn nhập khẩu, thủ tục hải quan của Việt nam cũng mất 4 ngày, trong khi Singapore, Thái Lan chỉ cần 1-2 ngày.
Chỉ một thời gian rất ngắn, chúng ta thấy gần như một lúc những “cái xấu” của nhiều ngành, lĩnh vực đã được đưa ra ánh sáng. Cũng đã thấy lấp ló tên những vị quan chức, lương và bổng lộc nhiều nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu. Giờ là lúc xem sự tự trọng, ý thức trách nhiệm lãnh đạo và hành động của họ thế nào đối với những “cái xấu” không thể chấp nhận được như thế./.