Bội chi - nỗi lo điều hành ngân sách

Câu chuyện bội chi ngân sách 6,9% GDP năm 2009 và dự kiến bội chi tiếp tục ở mức 5% GDP trong năm 2010 dấy lên những khó khăn trong điều hành ngân sách của năm 2010…

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này, một mặt khẳng định đã xuất hiện một số nhân tố mới có thể gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, chính vì thế, ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Trong các nhân tố đáng bàn đó thì câu chuyện bội chi ngân sách 6,9% GDP năm 2009 và dự kiến bội chi tiếp tục ở mức 5% GDP trong năm 2010 cũng dấy lên những khó khăn trong điều hành ngân sách của năm 2010.

Liên tiếp trong nhiều năm trở lại đây, bội chi ngân sách của chúng ta luôn ở  mức cao. Giai đoạn 2005 - 2008, mức bội chi ngân sách là 5% GDP. Năm 2009 là 6,9% GDP, tương đương khoảng 115.900 tỷ đồng.

Có thể lý giải mức bội chi kỷ lục 2009, một phần là do Chính phủ đã sử dụng gói kích cầu lên tới 145.000 tỷ đồng, đồng thời chi nhiều khoản cấp bách khác đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm.

Mặt khác, “chiếc bánh” ngân sách rõ ràng có hạn, trong khi nhu cầu chi luôn rất lớn. Có một thực tế đó là chưa kể địa phương nào cũng mong muốn “co kéo” đầu tư cho mình từ nhiều nguồn, nhất là từ ngân sách để mong muốn phát triển kinh tế, chính vì thế, mức bội chi ngân sách lại càng phình to thêm.

Trong khi đó, nhìn vào hệ số ICOR, hệ số đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP, lại tăng lên nhanh chóng. Năm 2007 là 5,2; 2008 là 6,6 và năm 2009 đã tăng lên trên 8.

Điều này cũng cho thấy hiệu quả đầu tư chưa cao. 

Nói một cách hình ảnh thì chúng ta đang trong tình cảnh: nhà nghèo thấy cái gì cũng cần, nhưng rõ ràng cũng đã đến lúc chi ngân sách để đầu tư phải “trông giỏ bỏ thóc”.

Nói như thế bởi gần như năm nào cũng vậy, kiểm toán Nhà nước đều thông báo kết quả kiểm toán với việc kiến nghị giảm chi  không hợp lý  hàng  trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Mới đây nhất, kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu cho ngân sách hơn 4.160 tỷ đồng và giảm chi tới  hơn 2.700 tỷ đồng. Qua  kiểm toán, chi tiêu  ngân sách đã bộc lộ những lãng phí.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách  của Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 đang diễn ra này cũng  chỉ rõ, chi thường xuyên của các cơ quan nhà nước vẫn tăng cao, đặc biệt phải kể đến “các khoản chi khác” tăng đến 154%, chi quản lý hành chính tăng 8%...

Rõ ràng, kỷ luật chi tiêu ngân sách đã có vấn đề như vừa đề cập nhất là khi tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, chuyển nguồn lớn vẫn chậm được khắc phục. Sẽ rất đáng lo nếu tình trạng bội chi  và kỷ luật chi tiêu ngân sách tiếp tục kéo dài. Khoản chi “lố” này Chính phủ phải đi vay của dân qua trái phiếu hoặc vay nước ngoài, hoặc điều chuyển các nguồn lực.

Cái giá cho bội chi cao cộng với đầu tư không đúng địa chỉ và hiệu quả kém thì nguy cơ tái lạm phát lại đến.

Trong bài toán tổng thể về điều hành ngân sách thì một vấn đề cũng đang quan ngại khác là nợ Chính phủ đang tăng cao: từ 33,8% GDP năm 2007 đến năm 2008 là 36,2%GDP và năm 2009 chiếm 41,9%GDP. Theo dự kiến cuối năm 2010, nợ Chính phủ sẽ chiếm 44,6%GDP, do điều chỉnh tăng bội chi ngân sách lên trên 5% GDP.

Một khi nợ quốc gia tăng sát mức an toàn, vay nợ trong nước và nước ngoài  sẽ gặp khó khăn và phải vay với lãi suất cao, sẽ dẫn tới những khó khăn về việc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia cho những năm tới.

Chính vì thế, đã có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần cương quyết loại bỏ các chương trình dự án kéo dài, kém hiệu quả; hạn chế việc khởi công những dự án mới có quy mô lớn để tránh những rủi ro của việc không bố trí được nguồn vốn.

Mục tiêu cơ cấu lại ngân sách, giảm bội chi ngân sách, tăng cường trả nợ là nhiệm vụ cấp thiết cần được chú trọng trong thời gian tới.

Vẫn có thể xem nợ Chính phủ đến nay vẫn trong ngưỡng an toàn, nhưng chỉ vài năm nữa là ở mức không an toàn, nếu không có sự điều chỉnh quyết liệt, cả từ phía Quốc hội trong việc thông qua dự toán ngân sách và Chính phủ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên