Bức tranh thật về tình hình lạm phát

Chính phủ vừa kiến nghị Quốc hội cho nới chỉ tiêu lạm phát của cả năm từ khoảng 15% lên 17%.

Đây cũng là lần thứ ba liên tiếp trong năm nay Chính phủ nới chỉ tiêu về lạm phát. Con số 17% thể hiện việc thẳng thắn nhìn nhận sự thật giá cả tăng mạnh trong hơn 7 tháng qua và có thể cả năm 2011 này. Nhưng mặt khác, cũng cho thấy nhiều điều đáng bàn trong việc điều hành và thực thi các giải pháp chống lạm phát vừa qua, trong đó có câu chuyện làm sao giữ được niềm tin của người dân vào sự điều hành của Chính phủ.

Từ 7%, chỉ tiêu kiềm chế lạm phát lần lượt nới lên 15% rồi 15 - 17% (ảnh: VnEconomy)

Việc liên tục điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát trong năm, từ 7% lên 11,75%, rồi từ 11,75% lên 15% vào cuối tháng 5 và lần này từ 15% lên 17% cho thấy, lạm phát là bài toán vĩ mô hóc búa nhất trong năm, nhưng cũng cho thấy, dường như các cơ quan quản lý chưa nhận diện và đo lường hết được mức độ lạm phát.

Có vẻ thực tế của việc tăng giá lần này được dự báo hoặc công bố thông tin tới người dân chưa đầy đủ, kịp thời. Lạm phát cao đến thế nào không quan trọng bằng việc dự báo tình hình chính xác và có cam kết, quyết tâm thực hiện các giải pháp đó cho hiệu quả để người dân yên tâm, tin tưởng. Ai cũng biết, Chính phủ rất quyết tâm khi đề ra Nghị quyết 11, nhưng hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết lại chưa đúng tầm.

Đã có lúc giá lương thực tăng cao, cơ quan quản lý đổ lỗi cho thương nhân Trung Quốc thu gom nông sản, đổ lỗi cho thời tiết, cho thiên tai mà quên mất rằng, những câu chuyện nóng bỏng về thị trường như thế, cơ quan quản lý với chức trách của mình, phải biết sớm, phải phản ứng kịp thời.

Thực tế là chúng ta phản ứng chậm, điều hành cung cầu thị trường yếu, hay nói cách khác là cách thức “bắt mạch” và dự báo xu hướng biến động giá của chúng ta chưa tốt . Đâu đó có sự lơ là, chủ quan đến nỗi khi cung hàng hóa hụt so với cầu, giá cả tăng vọt, cơ quan quản lý lại phải loay hoay đối phó.

Dự báo cũng như chuẩn đoán bệnh. Dự báo, phân tích đúng sẽ góp phần đưa ra giải pháp đúng và ngược lại. Do dự báo chưa tốt nên làm giảm sự chủ động của Chính phủ trong công tác kiểm soát lạm phát. Đó cũng là nguyên nhân góp phần làm cho lạm phát lại leo thang trở lại trong tháng 7 này. Người dân đã có lúc hoang mang và luôn trong tâm trạng phấp phỏng là giá sẽ còn tăng.

Ở ngay thời điểm này, yếu tố “lạm phát kỳ vọng” đã và đang diễn ra. Lạm phát kỳ vọng có thể hiểu nôm na là giá một mặt hàng đáng lẽ là 10.000 đồng, ở trong đó chứa lạm phát rồi thì lại được người ta cộng thêm một 1.000 đồng nữa do yếu tố đầu cơ để lên 11.000 đồng. Tăng lên 11.000 đồng rồi người ta lại tiếp tục tăng lên 12.000 đồng là với tâm lý tăng lên thế để cho yên tâm. Đó cũng là nguyên nhân khiến công cuộc kiểm soát lạm phát khó khăn hơn nhưng cũng cho thấy một điều, người dân chưa thực sự vững tin vào các biện pháp kiểm soát lạm phát.

Còn 5 tháng nữa, chưa biết lạm phát cuối năm sẽ dừng ở mức nào, song người dân cần một thông điệp vững chắc và thực chất hơn. Nói cách khác, kiềm chế lạm phát cần phải định nghĩa lại theo một cách thẳng và thật hơn, đúng với tình hình. Một bức tranh thật sẽ giúp cho chính nhà hoạch định chính sách làm tốt hơn việc của mình, củng cố thêm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng Chính phủ vượt khó.

Vài ngày nữa, Chính phủ mới sẽ ra mắt. Người dân kỳ vọng, Chính phủ tiếp tục quyết tâm, quyết liệt trong điều hành kinh tế. Đặc biệt, có những chính sách an sinh xã hội thiết thực hơn, cụ thể hơn làm giảm gánh nặng cho đời sống các tầng lớp nhân dân lao động, những người thường bị tác động nhiều nhất và trước hết bởi các hậu quả của lạm phát nói riêng cũng như khó khăn khi biến động kinh tế nói chung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên