Cách mạng Tháng Tám-thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
VOV.VN -Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm CMTT, Quốc khánh 2/9; Cả nước nô nức ngày hội “toàn dân đưa trẻ đến trường”; U19 Việt Nam tan giấc mộng vàng...
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ thắp hương tưởng niệm Bác Hồ
Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và 46 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiều 2/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch.
Trong không khí thiêng liêng tại Nhà 67 - nơi Bác đã sống và làm việc trong những ngày tháng cuối cùng trước khi về cõi vĩnh hằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành kính dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, hồi tưởng lại thời khắc thiêng liêng cách đây tròn 70 năm khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau lễ dâng hương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Nhà sàn Bác Hồ và ao cá Bác Hồ. Tổng Bí thư bồi hồi xúc động khi xem lại những kỷ vật giản dị, đơn sơ nhưng vô cùng quý giá gắn liền với cuộc sống của vị lãnh tụ trọn đời vì nước, vì dân.
** Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 46 năm Ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 3/9, các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dâng hương tưởng niệm Bác Hồ kính yêu tại Nhà 67 trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Việt Nam - Trung Quốc nhất trí nỗ lực giải quyết thỏa đáng bất đồng
Trong khuôn khổ chuyến tham dự Kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít của nhân dân thế giới Tại Trung Quốc, chiều 3/9, tại Đại Lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, trên cơ sở kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam trước sau như một, hết sức coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh và lâu dài với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung đi vào thực chất, hiệu quả; đặc biệt là cần tăng cường tin cậy chính trị; duy trì tiếp xúc cấp cao; đẩy mạnh giao lưu hữu nghị nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước.
Chủ tịch nước đề nghị hai bên cần quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung đã đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; ra sức thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiến triển thực chất theo nguyên tắc tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, cân bằng, bình đẳng cùng có lợi, góp phần làm sâu sắc tình hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ, tình hình trên biển thời gian vừa qua diễn biến phức tạp, khiến các nước trong và ngoài khu vực lo ngại; đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực; thúc đẩy các lĩnh vực, dự án hợp tác mà hai bên đã nhất trí phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tăng cường quan hệ chính trị giữa hai Đảng, hai nước; duy trì tiếp xúc cấp cao, đi sâu hợp tác thiết thực cùng có lợi; triển khai các thỏa thuận đạt được giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư theo hướng cân bằng, bền vững; mở rộng giao lưu hữu nghị nhân dân, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ hai nước; nỗ lực giải quyết thỏa đáng bất đồng, tạo môi trường tốt đẹp cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, bền vững, lâu dài.
Mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Sáng ngày 2/9, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, bắt đầu với lễ rước đuốc từ Bảo tàng Hồ Chí Minh về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắp lên đài lửa, khai mạc Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành.
Dự lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị...
Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Tám là sự kiện có tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các dân tộc thuộc địa, nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn, bản lĩnh, trí tuệ và ý chí quật cường của dân tộc ta được kế thừa, phát huy lên tầm cao mới trong cuộc đấu tranh do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo; là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén tạo thời cơ và chớp thời cơ ngàn năm có một, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm trọng thể 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhận thức sâu sắc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trọng đại và những bài học thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, chúng ta càng tự hào về những thành tựu to lớn, những chiến công oanh liệt của nhân dân ta trong suốt 70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tự hào về đất nước và dân tộc Việt Nam anh hùng, càng tăng thêm nghị lực, niềm tin để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ nặng nề, nhưng hết sức vẻ vang trong giai đoạn cách mạng mới…”.
Lễ thượng cờ Việt Nam tại tổ chức Thủy đạc quốc tế
Ngày 2/9, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Tổ chức Thuỷ đạc quốc tế (IHO) đã long trọng tổ chức Lễ thượng cờ của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Monaco, đánh dấu việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 84 của tổ chức này.
Tham dự buổi lễ có Chuẩn Đô đốc Phạm Xuân Điệp, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Giám đốc điều hành Uỷ ban Thuỷ đạc Việt Nam cùng đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao; Chủ tịch Tổ chức Thuỷ đạc quốc tế Robert Ward, Giám đốc Cơ quan Thuỷ đạc Công quốc Monaco cùng các quan chức cao cấp Trung tâm điều hành của Tổ chức Thuỷ đạc quốc tế tại Monaco.
Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thuỷ đạc quốc tế là hoạt động cụ thể hoá chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, đánh dấu một chặng đường mới trong lịch sử phát triển của Hải quân nhân dân Việt Nam và ngành thuỷ đạc Việt Nam.
** Ngày 31/8, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng đã được treo ngang cờ Liên Hợp Quốc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ (GGHB LHQ) ở Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA). Nghi thức này được thực hiện bởi 3 sĩ quan tham mưu của QĐND Việt Nam đang làm việc tại đây.
Các sĩ quan kéo cờ là: Trung tá Nguyễn Xuân Thành, Thiếu tá Vũ Văn Hiệp và Đại úy Hoàng Trung Kiên với sự tham gia của lãnh đạo Phái bộ MINUSCA và đông đảo nhân viên, cùng sĩ quan quân đội của gần 40 quốc gia.
Nghi thức kéo cờ mở đầu cho Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, diễn ra thiêng liêng, trang trọng, ấm cúng tại trụ sở MINUSCA.
Khởi công dự án đường dây điện vượt biển trên không dài nhất Việt Nam
Chiều 4/9, tại cảng cá Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh, huyện An Minh, nơi xuất phát của đường dây vượt biển, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang khởi công Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ |
Công trình có đường dây trên không gần 25 km vượt biển - dài nhất Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và đông đảo nhân dân địa phương đến dự lễ khởi công.
Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn được thực hiện từ nay đến năm 2016, bằng đường dây 110kV dài gần 44 km, trong đó đoạn trên biển dài gần 25 km, với tổng mức đầu tư 468 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án sẽ cấp điện cho khoảng 2.000 hộ dân, với 8.200 nhân khẩu trên xã đảo Lại Sơn, gấp nhiều lần so với sản lượng điện của các máy phát diesel hiện nay.
Phát biểu tại lễ khởi công Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, điện là cơ sở hạ tầng quan trọng, đi trước một bước để tạo tiền đề thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đến nay, cả nước có 98,6% số hộ dân được sử dụng điện và chất lượng điện ngày càng tốt hơn…
Thủ tướng nhấn mạnh, cần hiện đúng quy định của pháp luật, đúng hợp đồng, đúng dự án đã phê duyệt, có thể vượt tiến độ, nhưng phải đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng.
Vàng đồng loạt giảm giá mất 340.000 đồng/lượng trong tuần
Giá vàng SJC giảm nhẹ từ cuối tuần trước về mức 34,55 triệu đồng/lượng và tiếp tục theo hướng suy giảm trong suốt tuần vừa qua. Chốt phiên cuối tuần này, giá vàng SJC đứng ở mức 33,89 – 34,21 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với cùng thời điểm của tuần trước đó, giá vàng SJC trong nước đã giảm hơn 340.000 đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng SJC tuần qua. (Ảnh: sjc.com.vn) |
Giá vàng đi ngang và giảm nhẹ trong những phiên giao dịch đầu tuần qua, từ mức giá 34,55 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC giảm dần về các mức 34,50 – 34,45 triệu đồng/lượng. Thấp điểm nhất đã có lúc giá vàng giảm còn 34,07 triệu đồng/lượng, giảm hơn 400.000 đồng/lượng so với thời điểm giá vàng cao nhất tuần với mức 34,50 triệu đồng/lượng.
Trong tuần qua thị trường vàng trong nước nghỉ lễ ngày Quốc khánh 2/9. Sau ngày nghỉ lễ, giá vàng bắt đầu giảm nhanh từ mức 34,45 triệu đồng/lượng xuống mức 34,25 triệu đồng/lượng và xuống mức thấp nhất tuần ở 34,07 triệu đồng/lượng vào phiên thứ Sáu (4/9).
Cuối tuần này, giá vàng chỉ sự hồi phục nhẹ 140.000 đồng/lượng so với phiên trước đó, nhưng cũng được xem là mức tăng bứt phá nhất trong cả tuần qua. Cùng với đó, mức chênh lệch giá mua – bán vàng trong tuần cũng được điều chỉnh thu hẹp. Từ mức chênh lệch hơn 500.000 đồng/lượng theo niêm yết tại Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC), mức chênh lệch cuối tuần này chỉ còn là hơn 300.000 đồng/lượng.
Cả nước nô nức ngày hội “toàn dân đưa trẻ đến trường”
Sáng 5/9, ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, hơn 22 triệu học sinh trên cả nước nô nức đi dự lễ khai giảng năm học mới 2015-2016.
Khác với mọi năm, lễ khai giảng năm nay đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quán triệt tinh thần trang trọng nhưng gọn nhẹ, cắt giảm các thủ tục nhiêu khê, rườm rà.
Theo đó, lễ khai giảng cả nước sẽ thực hiện thống nhất một ngày 5/9. Nội dung phần lễ gồm các nội dung cơ bản là đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn. Sau đó là phần hội dành cho học sinh.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số học sinh, sinh viên cả nước hiện nay khoảng 22,21 triệu. Trong đó có 4,42 triệu trẻ em mầm non; 15,08 triệu học sinh phổ thông; 350.000 triệu học sinh trung cấp chuyên nghiệp và 2,36 triệu sinh viên đại học, cao đẳng.
Tổng số giáo viên, giảng viên cả nước là 1,24 triệu. Trong đó có 277.684 giáo viên mầm non, 856.730 giáo viên phổ thông, 10.911 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 91.183 giảng viên đại học, cao đẳng và khoảng 300.000 cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2015-2016, Bộ sẽ bổ sung, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Công tác phân luồng, hướng nghiệp sau trung học cơ sở, trung học phổ thông và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo sẽ được đẩy mạnh.
Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn sáp nhập các trung tâm giáo dục trên địa bàn cấp huyện.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Rạng rỡ Việt Nam”
Tối 1/9, tại Nhà hát Đài TNVN, 58 Quán Sứ-Hà Nội, Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Rạng rỡ Việt Nam” nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám – Quốc khánh 2/9 và 70 năm thành lập Đài TNVN.
Chương trình gửi đến khán giả một phần bức tranh toàn cảnh về Cách mạng Việt Nam trong chặng đường 70, qua những tác phẩm nổi tiếng, có giá trị lịch sử.
Bên cạnh đó, chương trình cũng là món quà tinh thần gửi tới các thế hệ đồng nghiệp, từ những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, những nghệ sĩ và những con người đã từng gắn bó, cống hiến, dành một góc trong tim mình cho ngôi nhà Đài TNVN bằng sự biết ơn và tri ân sâu sắc.
U19 Việt Nam tan giấc mơ vàng Giải U19 Đông Nam Á
Tối 4/9 đã diễn ra trận chung kết Giải U19 Đông Nam Á giữa hai đội U19 Việt Nam và U19 Thái Lan.
U19 Việt Nam (áo đỏ) không thể vượt qua đối thủ kỵ dơ Thái Lan |
Nhập cuộc đầy tự tin và chơi đôi công sòng phẳng với U19 Thái Lan nhưng U19 Việt Nam chỉ có thể duy trì thế trận tạm ngang ngửa với đối phương cho tới phút 44 của trận đấu, trước khi để Worachit ghi bàn thắng may mắn mở tỷ số.
Bước sang hiệp 2, U19 Việt Nam chơi đầy nỗ lực nhưng thiếu may mắn khi các pha dứt điểm đưa bóng tìm tới xà ngang và cột dọc. Đen đủi hơn, sau mỗi tình huống tiếc nuối đó, lưới thủ thành Thanh Tuấn lại thêm một lần rung lên.
Chơi thong dong với đẳng cấp vượt trội, U19 Thái Lan có thêm 5 bàn thắng nữa, để ấn định thắng lợi 6-0 cho đội bóng xứ Chùa Vàng. U19 Việt Nam đã tan giấc mộng vô địch tại giải U19 Đông Nam Á 2015 và đánh chấp nhận vị trí á quân tại giải đấu này./.