Cái ác và thân phận con người

Một lần nữa, câu chuyện thương tâm về cháu Hào Anh lại gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự trỗi dậy của cái ác cũng như thái độ của xã hội trước những phận người nghèo khó và bất hạnh.

>> Nhân dân nên mạnh dạn tố giác tội phạm

>> Ở đâu - tình người và trách nhiệm?

Trong mấy ngày gần đây, dư luận cả nước vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ khi chứng kiến cảnh cháu Nguyễn Hào Anh, 14 tuổi, ở huyện Đầm Dơi (Cà Mau), bị hai vợ chồng chủ một trại tôm giống là Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm bạo hành rất dã man trong một thời gian dài. Một lần nữa, câu chuyện thương tâm này lại gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự trỗi dậy của cái ác cũng như thái độ của xã hội trước những phận người nghèo khó và bất hạnh.

So với sự việc vợ chồng chủ quán phở ở Thanh Xuân (Hà Nội) hành hạ người giúp việc, hay vụ bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa ở Đồng Nai hành hạ trẻ suốt 3 năm mới bị phát giác, thì đây là một sự leo thang của cái ác. Không chỉ gương mặt của Hào Anh bị biến dạng vì những trận đòn thù, mà toàn thân cháu là chi chít những vết thương chồng lên nhau, có nhiều chỗ đã bị mưng mủ.

Trong một thời gian dài, cặp vợ chồng Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm đã thay nhau dùng mọi nhục hình với cháu như trói lại, treo ngược lên, bỏ ngoài trời qua đêm cho kiến đốt, dùng kìm vặn răng, dùng bàn là nóng hay dùi nung nóng dí vào người cháu... Cơ thể nhỏ bé của Hào Anh đã hứng chịu những nhục hình mà tính chất tàn bạo của nó chỉ phổ biến ở thời trung cổ.

Hiển nhiên, khi hành hạ cháu Hào Anh, cặp vợ chồng này biết hành vi của họ không chỉ trái với đạo đức xã hội mà còn bị pháp luật nghiêm cấm. Nhưng thật khó cắt nghĩa tại sao con người ta lại có thể độc ác và dã man đến thế với một đứa trẻ, vốn luôn cần sự bao dung, che chở và yêu thương.

Thật đau lòng khi tiếng kêu khóc của cháu mãi mới được nghe thấy.

Lại là những người dân bình thường xung quanh, quá bức xúc với sự ác độc, nhẫn tâm của Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm, đã chủ động mang cháu đi bệnh viện, rồi báo với chính quyền. Xin nhấn mạnh là tất cả những vụ bạo hành nổi tiếng trong thời gian gần đây đều do người dân, chứ không phải là các cơ quan chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội như hội phũ nữ, đoàn thanh niên, ủy ban chăm sóc và giáo dục trẻ em… ở cơ sở phát hiện ra.

Khi công luận lên tiếng mạnh mẽ, lực lượng Công an ở Cà Mau đã vào cuộc. Huỳnh Thanh Giang bị bắt tạm giam còn Mã Ngọc Thơm được cho tại ngoại vì nuôi con nhỏ. Tuy vậy, những người dân địa phương, vì quá bức xúc sau đó đã kéo đến bao vây nhà chị này. Nếu lực lượng công an không kịp thời can thiệp thì rất có thể người dân sẽ tự phát phán xử người này trước cả pháp luật. Giá như chính các cơ quan này có thể can thiệp sớm như thế ngay khi có tin báo cháu Hào Anh bị ngược đãi thì có lẽ bi kịch mà cháu phải chịu không đến mức nghiêm trọng như vậy.

Cũng thật xót xa khi với Hào Anh, những ngày nằm viện điều trị thương tích là những ngày hạnh phúc nhất đời cháu vì được mẹ ở bên chăm sóc, được nhiều người quan tâm, đến thăm, cho quà… Gia cảnh quá nghèo khó, bố bỏ đi lấy vợ khác, mẹ đi bước nữa, không thể chăm sóc hai con nên buộc phải gửi cháu đi làm thuê, làm mướn sớm. Và cháu đã bị đối xử như một nô lệ - trẻ em thời hiện đại.

Những đứa bé có hoàn cảnh xuất thân như Hào Anh, đáng buồn là đang xuất hiện ngày một nhiều, không chỉ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Tại sao gần đây, tình hình tội phạm lại diễn biến phức tạp với mức độ nghiêm trọng gia tăng như vậy. Một lần nữa, chúng ta lại cần nghiêm túc tự vấn để cắt nghĩa căn nguyên của thực tế này. Cũng cần thảo luận và trả lời xem một hệ thống các tổ chức chính quyền, đoàn thể xã hội hùng hậu như vậy ở địa phương lại không thể che chở an toàn cho một đứa trẻ bình thường.

Cái ác chỉ có thể trỗi dậy và hoành hành khi xã hội thờ ơ, tránh né và thiếu nghiêm khắc với nó. Ai cũng biết cần phải làm gì với cái ác. Vấn đề là ở hành động. Cả xã hội và mỗi cá nhân cần phải thể hiện thái độ nghiêm khắc với cái ác bằng những hành động cụ thể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên