Cấm bán rượu bia sau 22h: Cấm kiểu gì?
VOV.VN - Với đặc thù văn hóa truyền thống người Việt, để hạn chế tác hại của rượu bia, mấu chốt không phải ban hành lệnh cấm mà phải tuyên truyền.
Bộ Công thương đang dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh bia, với quy định: “Cấm bán bia vỉa hè, cấm bán bia cho phụ nữ đang mang bầu, phụ nữ cho con bú, những người đang trong tình trạng say…” một lần nữa dư luận lại xôn xao.
Giống như quy định trước đây của Bộ Y tế: cấm mua rượu sau 22h đến 6h sáng hôm sau, đề xuất này đều gặp những phản ứng dồn dập, đa chiều của dư luận. Thêm một quy định nữa mà nhiều người thầm nghĩ : các “nhà quản lý” dường như “mệt mỏi” với việc quản lý mặt hàng nhạy cảm này và với áp lực đó đã cho ra đời những quy định khó hiểu và thiếu tính khả thi.
Trước hết là phải ghi nhận sự nỗ lực của Bộ Y tế và Bộ Công thương trong việc sốt sắng đề xuất các quy định mang tính tích cực, xuất phát từ chủ trương đúng là cố gắng thực hiện nhiệm vụ quản lý của mình đối với tình trạng sử dụng bia rượu đáng báo động ở Việt Nam. Nói như thế bởi ai cũng có thể sẽ phải “giật mình” nếu biết, mỗi năm, dân nhậu Việt Nam đã tiêu thụ 3 tỷ lít bia. Nếu lấy theo giá bia hiện tại thì người Việt đã chi tới 3 tỷ USD /năm. Một con số khổng lồ và rất nhiều người xem đó là lãng phí lớn đến mức khó tưởng tượng nổi.
Đáng nói là xu thế tiêu thụ bia cứ tăng theo từng năm và hiện Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khi đó, hậu quả và tác hại của bia và rượu đã được truyền thông nhắc nhiều đến mức, trẻ em cũng thuộc làu làu: bia rượu có hại cho sức khỏe, làm kém công suất và hiệu quả của công việc, có thể gây tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và xã hội.
Nhưng, các quy định của 2 Bộ này xét về chủ trương đúng nhưng giải pháp xa thực tế triển khai sẽ khó. Và rất có thể chúng sẽ phải chịu chung số phận của hàng loạt quy định được ban hành gần đây vì thiếu tính thực tế .
Đã có ý kiến cho rằng, cả quy định của Bộ Y tế và Bộ Công thương đều mắc những lỗi cơ bản, đó là quy định chung chung, thiếu chi tiết, có chi tiết thì lại khiến dư luận bán tín bán nghi về khả năng vận dụng vào thực tế. Cụ thể như, Bộ Công thương đưa dự thảo: cấm bán bia vỉa hè, cấm bán bia cho người mang thai, cho con bú, những người có biểu hiện say… Qui định kiểu này, lợi cho nhà quản lý, nhưng đẩy cái khó cho người thực hiện. Câu hỏi đặt ra là quy định này ai giám sát và làm thế nào để xác định và phân biệt được phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú? Người nào có biểu hiện say... để xử lý.
Trong khi đó, với đặc thù sinh hoạt ẩm thực truyền thống hàng quán bao đời nay, thật khó đủ lực lượng chức năng để có thể giám sát và giải quyết được “nạn” bia rượu.
Còn quy định, cấm bán bia vỉa hè, quy định nghe thì hay, nhưng sẽ thật khó nếu cấm bán bia nhưng nhiều mặt hàng khác lại không cấm bán ở vỉa vè. Sự thiếu cụ thể rõ ràng của dự luật đôi khi lại là “con dao hai lưỡi” tạo điều kiện cho những người thực thi công vụ cố tình “làm luật”, thậm chí ăn hối lộ khi có những tình huống thuận lợi.
Trong dự thảo quy định cấm bán bia rượu từ sau 22h đến 6h sáng mỗi ngày của Bộ Y tế, người ta có thể đặt câu hỏi, cấm bán sau 22h, vậy mua một thùng bia lúc 21h59 rồi cứ thế uống, đâu có vi phạm? Dự báo, các “nhà làm luật” của chúng ta sẽ còn đón nhận vô số những câu hỏi còn thú vị và nan giải hơn gấp nhiều lần.
Rõ ràng, việc đề ra các chính sách, các “nhà làm luật” đứng trước thách thức và yêu cầu là phải biết có giám sát được sự tuân thủ không, chứ không thể để xảy ra tình trạng đề ra quy định, tự giác thực hiện thì tốt, vi phạm cũng khó xử lý thì sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng giữa người tuân thủ và người cố tình vi phạm.
Riêng đối với quản lý rượu bia, không thể cứng nhắc ban hành quy định theo kiểu không quản lý được thì cấm cho nhanh. Với đặc thù văn hóa truyền thống người Việt, để hạn chế tác hại của rượu bia, mấu chốt không phải là ban hành lệnh cấm mà ‘phải tuyên truyền’. Khi người dân hiểu và nhận thức được tác hại to lớn của nó thì không cần phải cấm, ắt nạn bia rượu sẽ giảm./.