Phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em:

Cần cam kết mạnh mẽ và cụ thể

Tai nạn thương tích được xếp vào loại tai nạn không chủ định, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được

Hàng năm nước ta có trên dưới một chục ngàn trẻ em và vị thành niên tử vong do tai nạn thương tích. Những nguyên nhân chính được xác định là đuối nước, tai nạn giao thông,... Để giải quyết vấn đề bức xúc này, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, giáo dục và trợ giúp cho các bậc phụ huynh và từng gia đình, cần có sự can thiệp mạnh mẽ và cụ thể của các bộ, ngành và địa phương.

Đó là khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo điều tra mới nhất do Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Quĩ Nhi đồng Liên Hợp quốc UNICEF  phối hợp tiến hành. Mỗi năm Việt Nam đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để mở rộng và nâng cấp hệ thống bảo vệ chăm sóc trẻ em, triển khai nhiều mô hình có hiệu quả như ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn,... Công việc này còn được lồng ghép trong nhiều chương trình mục tiêu khác nhau, góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong và tàn tật ở trẻ em do tai nạn thương tích gây ra. Tuy nhiên, những con số được nêu trong báo cáo vừa công bố vẫn cho thấy các em cần có sự quan tâm hơn nữa của cha mẹ và gia đình, của các ngành, các cấp.

Tai nạn thương tích được xếp vào loại tai nạn không chủ định, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Trước hết cần phân tích rõ nguyên nhân. Qua các con số mới nhất có thể thấy, tử vong ở trẻ em do tai nạn giao thông chiếm tỉ lệ hơn 20%, giảm gần 10% so với những năm trước khi thực hiện đội mũ bảo hiểm. Tử vong do ngộ độc, ngã, bỏng, điện giật, động vật cắn,... cũng giảm mạnh nhờ các mô hình gia đình, trường học, cộng đồng an toàn. Riêng tỉ lệ tử vong do đuối nước vẫn còn cao, ở mức trên dưới 50%, cho dù mấy năm gần đây chúng ta đã đa dạng hoá được các hình thức dạy bơi cho trẻ em phù hợp với từng địa phương. Năm nay, mới vào đầu hè đã xảy ra một số vụ trẻ em chết đuối thương tâm.

Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, rồi dạy bơi, trang bị cặp sách như phao cứu sinh, và nhiều hình thức lồng ghép nữa,... mà những vụ việc tương tự vẫn xảy ra, những con số đau lòng hàng năm vẫn không giảm. Cho dù ở mỗi nơi có những đặc thù, nguyên nhân và sự bất cập khác nhau, nhưng có một cái thiếu chung, đó là các em thiếu sự trông nom, giám sát cần thiết. Đương nhiên, trách nhiệm hàng đầu trong việc này là của các bậc phụ huynh và từng gia đình. Tiếp đó là của nhà trường, của cộng đồng. Song tình hình đã đến mức cần sự tham gia chủ động hơn của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương. Nói như lãnh đạo Bộ Lao động – thương binh – xã hội trong buổi công bố báo cáo điều tra vừa nêu thì “cần có sự can thiệp cấp bách với sự cam kết mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới”.

Chúng ta đã có chiến lược chăm sóc bảo vệ trẻ em với những kế hoạch hành động cụ thể trong từng giai đoạn, môi trường pháp lí ngày càng được hoàn thiện. 43 tỉnh, thành phố đã thành lập được Ban điều hành thực hiện chính sách quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích. Nhiều nơi có cả kế hoạch chuyên đề được phê duyệt để thực thi. Vậy nên, theo chúng tôi, sự cam kết mạnh mẽ trong thời gian tới nên đi vào cụ thể hơn nữa. Thành lập những tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp để trông nom, giám sát các em không phải là đề xuất, khuyến nghị mới, nhưng thực tiễn chưa làm được là vì nhiều lí do, trong đó bao trùm nhất là chúng ta chưa có nhận thức thống nhất về sự cần thiết của việc này.

Để tạo ra sự quan tâm chung của cộng đồng và của toàn xã hội, những địa phương đủ điều kiện nên chủ động thành lập ra tổ chức dịch vụ để trông nom, giám sát các em, có thể hoạt động theo hình thức doanh nghiệp công ích được ngân sách trợ giúp. Những nơi còn khó khăn về tài chính cần được các bộ ngành quan tâm theo từng chương trình lồng ghép, nhưng trước hết địa phương cần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, hoặc có thể sử dụng mạng lưới cộng tác viên, đội ngũ tình nguyện viên.

Khi công việc đó được thực hiện một cách chuyên nghiệp thì không chỉ có tác dụng giám sát các em khỏi chết đuối, mà các em sẽ được trông nom để học hành chăm ngoan, vui chơi an toàn, bổ ích. Đó là chưa kể, đội ngũ chuyên nghiệp trong công tác này còn giúp cho các em tránh được nhiều nguy cơ đe doạ khác như bị lạm dụng, bị bóc lột và buôn bán, bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội hay vi phạm pháp luật...

Cam kết mạnh mẽ được cụ thể hoá thành những việc làm với trách nhiệm của cả hệ thống và từng thành viên trong đó thì hiệu lực tăng thêm gấp bội. Những con số cảnh báo đau lòng như đã nêu nhờ đó có thể giảm đáng kể theo thời gian./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên