Cần đổi mới tư duy trong đào tạo, tuyển dụng

Các nước tiên tiến quy định rất rõ ràng việc sử dụng nguồn nhân lực theo đúng ngành nghề đào tạo và vị trí công tác.

Năm nay, cả nước có khoảng 1 triệu thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng có tới 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, tăng gần gấp 1,5 lần so với năm 2010. Như vậy, hầu như học sinh nào tốt nghiệp lớp 12 cũng muốn một lần “thử sức” trước cổng trường đại học cao vời vợi, nhiều em thi đến lần thứ 2, lần thứ 3… Có em đăng ký dự thi tới 2-3 trường đại học. Vui thì quả là vui vì sự ham học của con em mình, nhưng lo thì thật là lo bởi chỉ có 40% số đó vào được đại học, cao đẳng, nhiều em dù biết không thể vào được đại học nhưng vẫn thi một lần cho biết.

Xã hội cũng có nhiều động thái để giúp các sĩ tử hoàn thành ước nguyện của mình. Nhiều địa phương đã tổ chức đưa thí sinh đi thi đại học miễn phí; đội ngũ sinh viên tình nguyện hoạt động tích cực để đón và hướng dẫn thí sinh đến điểm thi thuận lợi nhất, và đặc biệt hàng vạn chỗ trọ giá rẻ và miễn phí đã được khai thác và giới thiệu cho thí sinh.

Nhiều trường đại học, cao đẳng đã phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin để hướng dẫn thí sinh thông qua các trang web một cách rõ ràng và cụ thể. Tất cả những gì mà xã hội đang dành cho thí sinh thực sự là nguồn động viên để các em giành được kết quả tốt nhất trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Thế nhưng, thí sinh tăng, cũng có nghĩa là các trường thêm áp lực. Như thiếu chỗ thi đảm bảo tiêu chuẩn, thiếu giám thị coi thi và xa hơn nữa là các trường sẽ phải bù một khoản kinh phí khá lớn để cho công tác tuyển sinh. Các thí sinh và người nhà cũng chịu một phen vất vả không chỉ tốn tiền triệu cho con đi thi mà khi đến thành phố cũng không dễ tìm được một chỗ ăn chỗ ở đảm bảo sinh hoạt và sức khoẻ. Các thành phố lớn liên tục xảy ra tình trạng ách tắc giao thông, gia tăng tai nạn… Cả xã hội căng ra như dây đàn, tiêu tốn tiền bạc, sức lực không đáng có cho công tác tuyển sinh.

Nguyên nhân chính của những bất cập trong tuyển sinh ai cũng biết. Đó là do có quá nhiều người muốn “vượt vũ môn” vào đại học. Trong một xã hội sính bằng cấp, vị trí tuyển dụng nào cũng đòi hỏi phải có bằng đại học, và ngay cả các cơ quan Nhà nước cũng đòi hỏi bằng đại học chính quy mà không chấp nhận các loại hình đào tạo khác như tại chức, liên thông… thì việc thí sinh ào ào đăng ký thi vào đại học sẽ chẳng bao giờ chấm dứt.

Cả xã hội loay hoay tìm giải pháp, và đã có nhiều giải pháp được đề ra trong đó hữu hiệu nhất là phải thực hiện phân luồng sau trung học phổ thông. Có nghĩa là một phần học sinh lớp 12 biết lượng được sức mình, không dự thi đại học mà dự tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Nhưng giải pháp này đến nay vẫn không mấy thành công bởi chúng ta thiếu sự đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo cho bậc học này và đặc biệt thiếu những quy định về tuyển dụng, sử dụng. Có tới 80% số người tốt nghiệp bậc học này không tìm được việc làm, trong khi những vị trí giành cho họ trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp lại có rất nhiều người có bằng đại học, thậm chí học thạc sỹ, tiến sỹ giữ chỗ.

Ở các nước tiên tiến, người ta quy định rất rõ ràng việc sử dụng nguồn nhân lực theo đúng ngành nghề đào tạo và vị trí công tác. Vì vậy bằng cấp sẽ chẳng có nhiều ý nghĩa lắm trong chuỵên kiếm việc làm hay thành công trong cuộc đời. Cùng với đó, người ta sẵn sàng trả lương theo tay nghề, đảm bảo một công nhân, một kỹ thuật viên lành nghề có thu nhập bằng một kỹ sư hay chuyên viên có bằng đại học.  

 Kỳ tuyển sinh năm nay đã bắt đầu. Áp lực đang đè nặng lên các sĩ tử, các gia đình thí sinh, các trường đại học và cả xã hội. Việc tổ chức một kỳ tuyển sinh nghiêm túc sẽ tạo ra sự công bằng cho tất cả các thí sinh là vấn đề mà ngành Giáo dục - Đào tạo đã và đang làm.  Nhưng tìm ra bài toán để giảm áp lực cho kỳ thi này là trách nhiệm của toàn xã hội. Chỉ khi nào, tự bản nhân các thí sinh và gia đình nhận thức được “đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời” thì lúc đó áp lực kỳ tuyển sinh mới có thể giảm.

Muốn vậy thì không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo mà các cơ quan chức năng, các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cũng phải đổi mới tư duy trong đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực để những ai không chọn con đường vào đại học mà học trung học chuyên nghiệp, dạy nghề cũng có thể tìm được việc làm, để đảm bảo cuộc sống thì áp lực kỳ tuyển sinh tự khắc sẽ hạ nhiệt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên