Cần mạnh tay với “ma men”

Trong 10 ngày đầu năm mới đã có tới 500 người thiệt mạng và nguyên nhân chính vẫn là do lái xe uống rượu

Theo thống kê của Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, tại Hà Nội, số người nhập viện trong dịp Tết Tân Mão có tới 40% là do uống rượu. Trong khi đó, ngày mùng 2 Tết, Bệnh viên Nhân dân, TP HCM đã cấp cứu 200 ca thì có tới 160 ca nhậu nhẹt quá nhiều.

Còn thống kê tình hình tử vong do tai nạn giao thông Tết Tân Mão của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 10 ngày đầu năm mới đã có tới 500 người thiệt mạng và nguyên nhân chính vẫn là do lái xe uống rượu.

Ma men đã và đang hoành hành từ các miền quê đến phố thị, thậm chí len lỏi vào nhiều cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp. Đã đến lúc cần có các biện pháp mạnh tay hơn để hạn chế những tệ nạn do uống rượu gây nên.

Ép rượu?
Tệ nạn uống rượu gia tăng trước hết là do quan niệm sai lầm “không rượu mất vui” nên bất cứ một cuộc lễ lạt, hội hè nào cũng phải có rượu. Đặc biệt, trong dịp đầu xuân này, cơ hội uống rượu càng nhiều hơn vì trong ba ngày tết đến nhà ai cũng được chúc rượu, sau đó là hội làng, mừng thọ, họp hội này, họ nọ…ở đâu cũng có rượu. Và trong các cuộc vui đó, người ta tung hô cho những người uống được nhiều, rồi chuốc cho đến say xỉn mới thôi; người ta “mời” thì ít mà “bắt ép” thì nhiều cả những người không uống được rượu, dù đó là phụ nữ thậm chí là cả trẻ nhỏ.

Nhiều nơi, người ta thi nhau uống rượu và coi số lượng rượu uống được thể hiện “bản lĩnh đàn ông”. Uống nhiều thành quen, quen rồi thành nghiện và nghiện rồi trở nên phá phách, mất trí khôn và đặc biệt nhiều “đệ tử lưu linh” chuốc bệnh vào thân…

Về các làng quê bây giờ, đặc biệt là trong dịp đầu xuân này, người ta dễ dàng gặp những “Chí Phèo” hiện đại say xỉn suốt ngày đánh chửi vợ con, thậm chí cả cha mẹ già gây mất an ninh trật tự, làm băng hoại đạo đức xã hội. Ở đâu đó, trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là ở miền núi, không khó gặp những người đàn ông quá chén mặt đỏ phừng phừng phát ngôn bữa bãi.

Điều đáng nói là ở một số nơi chính quyền và cả cơ quan hầu như không quan tâm đến việc kiểm tra, xử lý những kẻ say xỉn này một cách triệt để, mà coi đó là “chuyện của mỗi người, của mỗi nhà”, còn hàng xóm, họ hàng thì… tránh xa chẳng dại gì can thiệp vì thế các ma men được thể hoành hành, tệ nạn rượu chè bê tha càng có cơ phát triển.

Điều đáng nói hơn nữa, người ta uống rượu mà không hề ý thức được rằng chất lượng của thứ rượu họ đang uống không có ai chịu trách nhiệm.

Nghiên cứu của Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho thấy: Phần lớn trường hợp ngộ độc rượu là do uống phải cồn công nghiệp. 50% số bệnh nhân nhập viện xét nghiệm thấy trong máu có nồng độ methanol và ethylglycol cao.

Đây là hai chất hóa học độc hại thường dùng trong công nghiệp như chế biến sơn, đánh bóng đồ gỗ... huỷ hoại gan, gây tê liệt tâm thần và chảy máu dạ dày và nguy hiểm hơn còn ảnh hưởng tới nòi giống, an ninh trật tự.

Các loại rượu có chất này thường có trong rượu do dân tự nấu và rượu giả do các cơ sở sản xuất vì siêu lợi nhuận đã tự pha chế, đóng vào các chai dán nhãn mác, kể cả nhãn mác của các loại rượu nổi tiếng thế giới. Ấy vậy mà bây giờ, đi đến bất cứ xóm, ấp, làng bản nào cũng thấy hàng quán bày bán rượu một cách công khai.

Ai cũng có thể mua được rượu (dù đó là trẻ vị thành niên) và có thể mua được bất cứ lúc nào (dù đó là nửa đêm hay sáng sớm). Người ta có thể bán tất cả các loại từ rượu trắng, rượu thuốc đựng trong can nhựa đến các loại rượu đóng chai có nhãn mác ngoại… mà không cần biết thứ đồ uống đó có thể trở thành thuốc độc huỷ hoại sức khoẻ con người và không bị ai kiểm tra, nhắc nhở.

Xử lý nghiêm “ma men” gây mất trật tự ATXH
Để hạn chế tệ nạn uống rượu trước tiên là khi uống mỗi người cần hiểu và ý thức hơn về tác hại của rượu. Ở các làng quê, xã phường chính quyền cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của rượu trên hệ thống loa truyền thanh, hạn chế các buổi tiệc tùng, đình đám; tạo dư luận trong cộng đồng, dòng họ lên án những người say xỉn và kiên quyết xử lý nghiêm thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự những trường hợp uống rượu gây mất trật tự an toàn xã hội.

Các cơ quan Nhà nước tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị số 05 ngày 31/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Kiên quyết kỷ luật cán bộ công chức nghiện rượu, bê tha.

Với các cơ quan quản lý cần nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử phạt người nấu rượu, bán rượu trái với các quy định của nhà nước được ghi trong nghị định của Chính phủ số 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu. Cần có quy định rõ độ tuổi nào mới được mua rượu và chỉ có cơ sở có đăng ký mới được bán rượu (dù đó là rượu tự nấu) và cũng nên quy định được bán rượu vào giờ nào.

 Kinh nghiệm của một số nước để hạn chế rượu bia, đặc biệt là trong giới trẻ, người ta đã tăng thuế và giới hạn tuổi mua và uống bia rượu, kiểm soát gắt gao nồng độ cồn ở tài xế. Hạn chế tiến tới loại trừ ma men ra khỏi cộng đồng  đang cần một “liều thuốc” mạnh hơn bởi theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới mỗi năm có khoảng 2,5 triệu người chết vì các nguyên nhân liên quan tới bia rượu và con số này còn cao hơn cả số người chết vì bệnh AIDS./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên