Cần nhận rõ cuộc đấu tranh giai cấp

Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, nó thể hiện cả trong việc bảo vệ lý tưởng Cộng sản và Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lẫn trong việc giữ vững định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

<< Chủ nghĩa Mác và thời đại ngày nay

Những biến cố dồn dập đầy kịch tính của thế giới trong thời gian qua đã tác động rất lớn đến tâm trí và nhận thức của mọi người. Trước xu thế hoà bình - hợp tác, toàn cầu hóa, khu vực hóa; trước quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều người dường như lãng quên vấn đề giai cấp.

Ai nói đến đấu tranh giai cấp liền bị quy là "bảo thủ", "giáo điều". Ai nhắc nhở phải cảnh giác với âm mưu "diễn biến hòa bình" thì bị quy chụp cho cái mũ "thiếu thức thời", "tư duy cũ". Nhất là sau sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô đã gần 20 năm trôi qua, một lần nữa, nhiều nhân vật chống Cộng và không ít kẻ "ăn theo" càng như được thể, lu loa đủ điều, hí hửng rằng chủ nghĩa xã hội đã chết, lý tưởng cộng sản đã hết thời; rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã cáo chung! Lý do duy nhất mà họ đưa ra là cố tình đồng nhất việc Liên Xô đổ vỡ với việc chấm dứt chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Tại sao có chuyện rùm beng như thế? Nếu như vấn đề giai cấp không còn nữa, nếu đấu tranh giai cấp không có nữa, thì lẽ gì họ phải lo sợ, họ phải quá hằn học với chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng sản làm vậy? Hóa ra là, vấn đề giai cấp vẫn còn nguyên đó. Nó tồn tại cho tới khi nào không còn những giai cấp đối kháng về lợi ích kinh tế và lập trường chính trị. Vấn đề giai cấp thể hiện ra ở tất cả các khía cạnh kinh tế, chính trị và xã hội, thể hiện trong các cuộc đấu tranh tư tưởng, trong chính sách và hành động trước các sự kiện diễn ra trên thế giới.

Những cách nhìn khác nhau

Hiện nay cũng như trước đây, vì lợi ích của bản thân, giai cấp tư sản luôn dùng mọi thủ đoạn để loại bỏ công cụ soi sáng các biến cố của loài người là lợi ích giai cấp và đấu tranh giai cấp. Quan hệ giai cấp là yếu tố quan trọng nhất để phân tích một cách khoa học mâu thuẫn và sự vận động, phát triển của xã hội. Thực tế hiện nay cho thấy, cuộc đấu tranh giai cấp vẫn tiếp tục diễn ra theo đúng quy luật phát triển của xã hội loài người, vẫn là cuộc đấu tranh giữa "ai thắng ai" trên bình diện quốc tế cũng như trong điều kiện cụ thể của từng nước.

Với tầm nhìn rộng lớn và toàn diện, tầm nhìn chiến lược và lâu dài về cuộc đấu tranh giai cấp, bài học qua sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô trước đây vẫn luôn mới mẻ. Bất kẻ ở đâu, bất kể thời điểm nào, khi vô tình coi nhẹ hoặc cố tình không đếm xỉa đến tính phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận tư tưởng, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng và văn hóa, thì chính lúc đó cách mạng sẽ phải trả giá đắt.

Cho dù sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đã xảy ra, thì những học thuyết về giai cấp, vai trò của giai cấp lãnh đạo định hướng cho cuộc cách mạng đó vẫn không thay đổi, và đó chính là giá trị quý báu của nhân loại. Gần 20 năm qua, nhân dân các nước Đông Âu và Liên Xô (trước đây) đang kiểm chứng tình hình hiện nay. Nhiều người bắt đầu nhận ra rằng đã bị đánh cắp một không khí và thể chế xã hội trong lành gắn liền với lợi ích và hạnh phúc cho mọi người: đó là chữa bệnh không mất tiền, giáo dục không mất tiền, lương hưu chắc chắn, xã hội bình đẳng, không có bóc lột, không có áp bức giai cấp...

Trong thế giới tư bản chủ nghĩa

Chúng ta thấy rõ cuộc đấu tranh giai cấp vẫn tiềm ẩn trong xã hội tư bản chủ nghĩa với sự bất công, phân cực giàu nghèo ngày càng sâu sắc; với cảnh cơ cực của đội quân thất nghiệp ngày càng đông đảo, với tình trạng tính mạng, an ninh và trật tự xã hội luôn bị đe dọa; với sự phá hủy và suy đồi đạo đức xã hội vì cơn lốc của lợi nhuận.

Nếu đi sâu thêm, ta thấy rằng nguồn gốc của sự xung đột giai cấp trong xã hội tư bản vẫn là do lô gích phát triển trong điều kiện bất bình đẳng, đa số phải phục tùng lợi ích và quyền lực của thiểu số; vẫn là do xã hội vận hành trên cơ sở quan hệ bóc lột và bị bóc lột giữa giai cấp tư sản và người lao động.

Ở các nước phương Tây hiện nay, đi đôi với việc phát triển khoa học, kỹ thuật và tăng năng suất lao động, mức độ bóc lột của giai cấp tư sản (thể hiện ở tỷ suất giá trị thặng dư) vẫn tăng đáng kể. Chẳng hạn ở Mỹ, tỷ suất giá trị thặng dư trong các ngành sản xuất công nghiệp mấy thập kỷ qua đã tăng như sau: năm 1950: 241%; năm 1960: 247,6%; năm 1970: 255%; năm 1980; 289%; những năm 1990: khoảng 300% những năm đầu thế kỷ XXI: khoảng 307%. Ở các nước Tây Âu cũng có mức tăng tương tự.

Không chỉ ở các nước đang phát triển, mà ngay trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa giàu có nhất, luôn đồng thời tồn tại một thế giới của những người nghèo khó. Số người sống dưới mức nghèo khổ hiện nay ở Mỹ khoảng 30 triệu, ở Tây Âu khoảng 40 triệu. Thuế khóa, thất nghiệp, các tệ nạn xã hội luôn đeo đẳng người nghèo. Mặc dù giai cấp tư sản hiện nay có sự mềm dẻo nhất định trong việc làm dịu mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, nhưng đấy vẫn chỉ là ở từng nơi, từng lúc, còn về cơ bản, mâu thuẫn giữa tư bản và lao động vẫn ngày càng gay gắt và chứa đựng sự bùng nổ xã hội.

Cuộc sống ngày càng chứng minh các dự báo hoàn toàn đúng đắn của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin: mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sản xuất với hình thức chiếm hữu tư nhân sẽ được giải quyết theo hướng công cộng hóa hình thức sở hữu cho phù hợp với tính chất xã hội của sản xuất, và điều đó không phải cái gì khác mà chính là chủ nghĩa xã hội.

Từ tự do cạnh tranh, chủ nghĩa tư bản phát triển tới độc quyền, độc quyền nhà nước, trong phạm vi rồi ra ngoài phạm vi quốc gia trở thành chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa. Cùng với quá trình toàn cầu hóa ngày càng tăng, các biện pháp điều chỉnh các quan hệ kinh tế và sở hữu theo hướng công cộng hóa cũng ngày càng tăng. Điều này thể hiện rõ ở việc các cổ đông, các tổ chức công đoàn và người lao động ngày càng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia quản lý kinh tế - xã hội. Những biến đổi trên vô hình trung trở thành những tiền đề của chế độ xã hội mới trong lòng chủ nghĩa tư bản.

Vậy là, mặc dù giai cấp các nhà kinh doanh tư sản hiện đại đã biết linh hoạt và đôi khi ứng phó có hiệu quả trước diễn biến của tình hình kinh tế - xã hội, nhưng các lực lượng dân chủ, đội ngũ đông đảo những người làm công ăn lương ở các nước tư bản chủ nghĩa hiện nay cũng đã khác trước. Họ hiểu biết hơn và có nhiều hình thức đấu tranh linh hoạt hơn nhưng không kém phần mạnh mẽ hơn. Và điều này thực tế đang tạo ra bên trong xã hội tư bản những cơ cấu mới và những quan hệ mới, không mang tính chất tư sản. Cuộc đấu tranh giai cấp của những người lao động chống bóc lột và bất công ở các nước tư bản chủ nghĩa hiện nay diễn ra không chỉ trong khuôn khổ cấu trúc thượng tầng mà cả ở cơ sở hạ tầng, làm thay đổi nền móng xã hội, làm biến dạng chế độ tư sản. Để trở thành hiện đại, chủ nghĩa tư bản đã cố gắng tự điều chỉnh để có thể thích nghi với thời đại, nhưng cũng chính vì thế đã tự làm nảy sinh những vấn đề mới, ngoài ý muốn của nó. Nó sẽ bị hút dần một cách không tự giác vào một trật tự xã hội mà những mầm mống và yếu tố của nó sẽ là những điều kiện dẫn tới sự thay thế chế độ tư hữu bằng chế độ công hữu trên cơ sở cuộc đấu tranh giai cấp được tiến hành theo một cách thức mới.

Hướng sang thế giới thứ ba

Làm sao có thể quên thế giới thứ ba khi nói về sự khốc liệt của đấu tranh giai cấp. Có lẽ trên thế giới, nhiều người vẫn chưa quên nỗi đau về cái chết của Tổng thống A-giên-đê với chế độ xã hội ông định xây dựng ở Chi-lê; về sự thất bại ở Ni-ca-ra-goa, En Xan-va-đo, những đảo lộn ở Mô-dăm-bích, Dim-ba-bu-ê, Ăng-gô-la, Xéc-bi, Áp-ga-ni-xtan, I-rắc... Người ta cũng không quên những gì đã và đang diễn ra xung quanh việc bao vây, cấm vận đối với nước Cu-ba dũng cảm và kiên cường, chung quanh cuộc khủng hoảng tên lửa ở CHDCND Triều Tiên... Cùng với các điểm nóng khác ở một số nước thuộc Liên Xô (cũ), tất cả những sự việc vừa nêu cho thấy rõ cuộc đấu tranh giai cấp ở mọi nơi chưa hề ngưng nghỉ, kể cả sau chiến tranh lạnh.

Cũng chính do vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp còn nguyên mà lịch sử đã diễn ra với nhiều sự kiện chưa từng thấy ở các nước thế giới thứ ba, nơi các dân tộc ngày càng thức tỉnh, không cam phận làm nô lệ.

Một sự thật mà ai cũng biết là ở Mỹ, hết đời tổng thống này đến đời tổng thống khác, chính sách đối ngoại đều có một điểm chung: đối phó với cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước thế giới thứ ba. Và cũng cũng vì thế, trong thế giới này đã xuất hiện những nhân vật nổi tiếng, đại diện cho lương tri của các dân tộc: A-rơ-ben, Hồ Chí Minh, Lu-mum-ba, Phi-đen Ca-xtơ-rô, A-giên-đê...

Trên quy mô toàn cầu, các lực lượng chống cộng và chống cách mạng vẫn tiếp tục các đòn tiến công với sức mạnh khổng lồ, không chỉ bằng các vũ khí hủy diệt con người mà bằng mọi vũ khí có thể sử dụng như kinh tế, tư tưởng, văn hóa, truyền thông. Các lực lượng phản động quốc tế phải triển khai cuộc tiến công trên quy mô lớn như vậy, càng chứng tỏ chúng rất lo sợ trước sức mạnh tiềm tàng ngày càng tăng của các dân tộc kiên quyết vứt bỏ mọi xiềng xích nô lệ, thực hiện bằng được chân lý "không có gì quý hơn độc lập, tự do". Bá quyền của Hoa Kỳ trong thế giới tư bản chủ nghĩa ở cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI đang bị lung lay, không còn như những năm của thế kỷ XX.

Chiến tranh không tiếng súng

Các thế lực đế quốc hiếu chiến và các lực lượng thù địch bao giờ cũng coi sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội là sự uy hiếp đối với chúng, và vì thế, chúng không chấp nhận sự hiện diện của chủ nghĩa xã hội. Âm mưu phá bỏ Liên Xô, làm tan rã chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu, lật đổ lãnh đạo của các đảng cộng sản, phủ định hình thái ý thức xã hội chủ nghĩa là một mục tiêu nhất quán trong kế hoạch, cũng như trong hành động của chủ nghĩa đế quốc. Thực hiện hàng loạt chiến lược qua nhiều thập kỷ "chiến tranh lạnh" mà đặc biệt là cuộc chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém làm suy yếu và kiệt sức Liên Xô, chủ nghĩa đế quốc tới nay vẫn chưa từ bỏ âm mưu làm suy yếu các nước XHCN còn lại. Vì vậy, ở mỗi giai đoạn khác nhau, tùy theo tình hình thế giới từng lúc, chúng điều chỉnh chiến lược cho thích hợp.

"Diễn biến hòa bình" tiếp đó là “cách mạng nhung”, “cách mạng màu da cam”... là những chiến lược tổng thể của chủ nghĩa đế quốc nhằm thực hiện mục tiêu nói trên. Thế giới đã gọi nó là "cuộc chiến tranh không có khói súng". Đây thực chất là kế sách phá vỡ thành lũy của chủ nghĩa xã hội từ bên trong, là chiến thuật "mối xông nhà" phá ruỗng cơ cấu kinh tế - chính trị - xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong. Các chính trị gia đề xuất chiến lược "diễn biến hòa bình" đã tổng kết: Muốn tiêu diệt các nước xã hội chủ nghĩa, không thể dùng vũ lực tấn công từ bên ngoài. Thực tế đúng như vậy. Chủ nghĩa đế quốc từng bị thất bại liên tiếp trong các cuộc xâm lược vũ trang chống các nước xã hội chủ nghĩa, như đối với Liên Xô sau Cách mạng Tháng Mười, đối với CHDCND Triều Tiên đầu những năm 50, đối với Cu-ba đầu những năm 60, và nổi bật nhất, đối với Việt Nam từ cuối những năm 40 đến giữa thập kỷ 70... Do vậy, họ chuyển hướng chống phá các nước xã hội chủ nghĩa bằng cách trước hết là làm tan rã các đảng cộng sản cầm quyền, hạt nhân lãnh đạo ở các nước đó. Muốn vậy, họ phải tìm mọi cách phá hoại các đảng đó về mặt tư tưởng và tổ chức.

Biện pháp thường dùng để phá hoại đảng cộng sản cầm quyền về tư tưởng là lấy tư tưởng xã hội - dân chủ thay cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Những chuyên gia chống cộng của Mỹ cho rằng: Chủ nghĩa xã hội - dân chủ và nhà nước phúc lợi thường là biện pháp hữu hiệu để đấu tranh với sự hấp dẫn của học thuyết cộng sản chủ nghĩa. Từ đó, họ đưa ra những cách lựa chọn dân chủ khác nhau cho mô hình cộng sản chủ nghĩa. Đây là cơ sở phương pháp luận cho việc đa nguyên hóa về tư tưởng, tiến tới thay thế lập trường tư tưởng của chủ nghĩa Mác bằng ý thức tư sản.

Từ việc phá hoại về tư tưởng, bài bản "diễn biến" tiếp theo là phá hoại đảng cộng sản về mặt tổ chức: cổ vũ đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Một khi đã chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập, thì làm sao tránh khỏi tình trạng trong đảng cộng sản cầm quyền thì có các "phái", còn bên ngoài thì có các đảng khác?

Để thực hiện "diễn biến hòa bình" ở các nước không theo con đường tư bản chủ nghĩa, các thế lực chống cộng còn dùng thủ đoạn từng bước mua chuộc, lôi kéo các phần tử dao động, bất mãn, gây dựng các tổ chức chống cộng sản ngay trong đảng cộng sản và các tổ chức xã hội ở các nước đó.

Thực tế cho thấy, phương Tây không chỉ nuôi dưỡng mà còn ủng hộ, thúc đẩy phe đối lập chính trị đoạt quyền lãnh đạo của đảng cộng sản ở các nước đó. Để làm việc này, các thế lực chống cộng thường dùng các hình thức sau:

1. Vạch kế hoạch gây rối trong xã hội để dễ bề giành quyền lực. Hoặc lợi dụng khó khăn về kinh tế, phối hợp bên trong với bên ngoài để thực hiện âm mưu chính trị.

2. Thông qua bầu cử hợp pháp sau khi bằng nhiều thủ đoạn tinh vi gây sức ép về kinh tế và chính trị, buộc đảng cộng sản cầm quyền phải thực hiện đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập trong xã hội.

3. Phát động đảo chính quân sự khi đảng cộng sản cầm quyền suy yếu, mất tín nhiệm và sự ủng hộ trong quần chúng do đường lối, chính sách sai lầm.

Tất cả những thủ đoạn mà các thế lực đế quốc đã và đang sử dụng đối với các nước xã hội chủ nghĩa cũng như đối với giai cấp những người lao động trên toàn thế giới cho thấy, cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay so với trước đây không kém phần gay go quyết liệt, phức tạp.

Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, nó thể hiện cả trong việc bảo vệ lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa Mác - Lê-nin lẫn trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở các nước này, trong điều kiện mở cửa và hội nhập với thế giới, dùng thủ pháp và công cụ kinh tế của chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội, đảng cộng sản cầm quyền càng phải đề cao cảnh giác, mài sắc ý chí cách mạng, kiên định lập trường giai cấp, nhận dạng thật rõ các hành động và âm mưu thù địch để có biện pháp đấu tranh có hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên