Cẩn trọng, nghiêm minh… nhưng phải kịp thời

Những vụ việc tiêu cực, vi phạm liên quan đến những cá nhân giữ chức vụ cao, càng kéo dài càng phức tạp, càng dễ làm xói mòn lòng tin.

Ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa quyết định kỷ luật hai cán bộ đảng viên, một ở cương vị Thứ trưởng, một ở vị trí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đều ở mức cảnh cáo.

Việc xem xét, quyết định kỷ luật hai cán bộ cấp cao và công khai rộng rãi vào thời điểm toàn Đảng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm xây dựng chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, có ý nghĩa lớn, thể hiện tinh thần nói đi đôi với làm của Đảng ta.

Hai ông Lữ Ngọc Cư và Cao Minh Quang vừa bị luật cảnh cáo  

Về hình thức kỷ luật hai cán bộ cấp cao này, có có ý kiến cho là còn nhẹ so với mức độ vi phạm;  cũng có ý kiến cho rằng, như thế là tương xứng… Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, không nên đánh giá nặng nhẹ ở đây.

Kỷ luật Đảng, dù ở hình thức nhắc nhở phê bình, thậm chí chỉ góp ý nhỏ nhẹ, chân tình hàng ngày, cũng là bài học đắt giá, nhớ đời, không nên coi nhẹ, huống hồ là cảnh cáo.

Hơn nữa, đây mới là hình thức kỷ luật về Đảng. Những cán bộ đảng viên này còn phải chịu kỷ luật về chính quyền, với hình thức tương ứng. Chỉ cần với hình thức kỷ luật về Đảng và về chính quyền như thế, chắc chắn họ sẽ không còn đủ uy tín tiếp tục ở vị trí chức vụ như hiện nay. Không chỉ dừng lại ở đấy. Nếu họ  có biểu hiện vi phạm pháp luật, sẽ bị xem xét, xử lý theo pháp luật.

Vấn đề quan trọng hơn việc đánh giá nặng nhẹ, là từ vụ hai cán bộ cấp cao bị nhận kỷ luật của Đảng lần này, cần rút ra bài học gì, để mỗi cán bộ đảng viên biết tự giác sửa mình, để không trượt dài trên con đường tha hóa, hư hỏng, buộc tổ chức phải giơ ngọn roi kỷ luật.

Thực ra hồi kết của hai cán bộ cấp cao bị kỷ luật lần này đã được báo trước. Có người đã bộc lộ vi phạm, khuyết điểm từ vài năm trước; có người đã “có dư luận này khác” khá ồn ào, từ cả chục năm trước, ở những vị trí chức vụ khác nhau, đã được tổ chức kiểm tra, nhắc nhở.

Lẽ ra sau mỗi lần như thế, phải biết nhận khuyết điểm, tự sửa mình, lấy công chuộc tội, chứ không phải để né tránh, đối phó và che đậy khuyết điểm. Sự vi phạm kỷ luật Đảng của những cá nhân này, xem ra, có quá trình, càng lên chức vụ cao hơn, càng bộc lộ rõ hơn, và nghiêm trọng hơn.

Cũng không khó để nhận ra rằng, sai sót của họ không phải là “tai nạn nghề nghiệp”, “hoàn cảnh xô đẩy” hay vô tư vô tình mắc phải.  Cũng không phải là cái sai, cái lỗi thường tình “có làm có sai”,”có sai có sửa”…vẫn thường gặp ở nhiều cán bộ đảng viên chúng ta. Đảng và nhân dân rất rộng lượng, tinh tường, dễ dàng nhận biết, dễ dàng tha thứ đối với những sai sót, khuyết điểm như thế.

Cái sai của những cán bộ bị kỷ luật lần này cách thức khác, mức độ khác, rất điển hình của chủ nghĩa cá nhân với biểu hiện ích kỷ, vụ lợi, thu vén cá nhân, coi trọng tiền bạc, vật chất hơn danh dự nhân phẩm. Ngay cả việc họ vi phạm các quy định của Đảng, không tuân thủ các quy định của tổ chức, cũng có nguyên nhân từ chủ nghĩa cá nhân ăn sâu bén rễ trong họ, khiến họ không còn nhớ mình là cán bộ của Đảng, công bộc của dân, nhiều khi tỏ ra là “ ông quan cách mạng”, tìm cách hưởng lộc, thu lợi.

Điều rất đáng quan tâm, là những cán bộ bị Ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật lần này không phải do tổ chức cơ sở, nơi các cán bộ này công tác, sinh hoạt đấu tranh, phát hiện, mà chính từ dư luận và sự phát giác của quần chúng nhân dân và đảng viên.

Căn bệnh nể nang, né tránh, không muốn đấu tranh phê bình vì sợ “đồng bệnh tương liên”đã làm thui chột vũ khí phê bình và tự phê bình của mỗi cán bộ đảng viên. Thậm chí, cả khi cơ quan chức năng cấp trên vào cuộc, chỉ ra những biểu hiện vi phạm rất cụ thể, rõ ràng và nghiêm trọng, thì vẫn có không ít cá nhân cấp ủy xin “miễn xử”cho họ!

Vậy là, một khi cá nhân cán bộ, đảng viên sa vào vũng bùn chủ nghĩa cá nhân, không chịu sửa mình, lại gặp tổ chức thiếu tính chiến đấu, thừa tính nể nang, thì đấy chính là môi trường để tha hóa, hư hỏng sinh sôi nảy nở.

Việc xem xét, kết luận và quyết định hình thức kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm vừa qua của Trung ương, của Ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện tính nghiêm minh, được nhân dân và đảng viên đồng tình, từng bước củng cố niềm tin của dân với Đảng.

Tuy vậy, vụ kỷ luật hai cán bộ cấp cao lần này, dư luận vẫn thấy thiếu tính kịp thời. Kinh nghiệm cho hay, việc xem xét, xử lý cán bộ đảng viên vi phạm phải khách quan, cẩn trọng, nghiêm minh, nhưng cũng cần phải kiên quyết, kịp thời. Những vụ việc tiêu cực, vi phạm liên quan đến những cá nhân giữ chức vụ cao, càng kéo dài càng phức tạp, càng dễ làm xói mòn lòng tin trong cán bộ, đảng viên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên