Cản xe chở bệnh nhi hấp hối ra viện: Bảo vệ to hơn Giám đốc?
VOV.VN -Bảo vệ sẵn sàng chửi mắng, đuổi, có khi xúc phạm người khác, nhưng Giám đốc bệnh viện có dám đâu!
Dư luận thực sự bức xúc khi xem clip bảo vệ Bệnh viện Nhi trung ương chặn không cho xe cấp cứu chở một bệnh nhi 9 tháng tuổi đang hấp hối ra khỏi viện. Tuy nhiên, dư luận còn bất bình hơn khi bệnh viện chính thức lên tiếng bao biện cho hành vi thiếu văn hóa và phi nhân văn của bảo vệ bệnh viện này.
Sự việc xảy ra tại bệnh viện Nhi trung ương đã thực sự khiến nhiều người đã từng bị bảo vệ ở các bệnh viện khác gây khó dễ thêm bức xúc mà không có dịp được nói ra. Bởi theo họ, nhiều bệnh viện lớn đều có 1 lực lượng vận tải riêng đã ký hợp đồng với bệnh viện nên họ không cho xe bên ngoài vào chở người bệnh. Những chiếc xe này có một “vùng bất khả xâm phạm” không ai được quyền chen vào.
Theo lời của lái xe cấp cứu đến đón cháu D, bảo vệ Viện Nhi bảo quy định ở đây là chỉ được đưa bệnh nhân đến chứ không được đón bệnh nhân đi. Cá nhân tài xế Toàn cũng đã lái xe cấp cứu được 6 năm nay. Đây không phải lần đầu tiên bị ngăn cản khi vào đón bệnh nhân tại bệnh viện này.
Cháu bé đã tử vong ngay trên chiếc xe cấp cứu khi đang đỗ trong Bệnh viện Nhi Trung ương. Đây là điều đau xót nhất trong câu chuyện này. Trong khi truyền thống của người Việt Nam “Nghĩa tử là nghĩa tận”.
Liệu lãnh đạo các bệnh viện có biết được tình trạng “tranh hùng, tranh bá” của lực lượng xe cấp cứu đã được ký hợp đồng và những xe cấp cứu “vãng lai” như trường hợp ở Viện nhi? Hơn ai hết, họ phải nắm được những gì đang xảy ra ở trong viện của mình. Vấn đề là họ có giải quyết triệt để hay làm ngơ cho tồn tại. Bởi bao nhiêu thứ tiêu cực trong bệnh viện, từ việc nhận phong bì lót tay đến thái độ hạch sách, nhũng nhiễu người bệnh… đều do báo chí và người dân phản ánh, trong khi chính bộ máy quản lý của bệnh viện lại không phát hiện ra.
Vào bệnh viện công thì sợ nhất ai? Đó chính là các ông bảo vệ vì thái độ hạch sách, hống hách với người nhà bệnh nhân, nhất là những người nhìn bộ dạng giống ở quê ra. Vẫn biết, công việc của họ là phải làm cho tình hình an ninh, trật tự trong bệnh viện luôn tốt. Nhưng cách hành xử của họ phải để làm sao cho những người dân lành yên tâm chấp hành và những kẻ "đầu gấu" phải sợ hãi, không dám làm càn. Thế nhưng, thực tế nhiều người khi vào bệnh viện đã thấy bức xúc ngay khi gặp ông bảo vệ.
Ở tất cả các cơ quan, đơn vị, bảo vệ chính là “bộ mặt” vì ai đến đó người đầu tiên gặp là bảo vệ chứ có phải Giám đốc hay thủ trưởng đơn vị đâu. Nhưng xem ra, nhiều nơi, trong đó có bệnh viện, bảo vệ to hơn cả sếp?
Để xử lý nghiêm những cảnh tượng bất bình trong các bệnh viện không khó, chỉ cần các đơn vị quản lý trực tiếp có trách nhiệm, nghiêm túc và làm triệt để. Nếu không người "sướng mồm" là các vị bảo vệ, còn kẻ "mất mặt" với công chúng lại chính là các Giám đốc./.