Cảnh sát giao thông giơ chân chặn người vi phạm: Ủng hộ hay lên án?
VOV.VN -CSGT giơ chân chặn người vi phạm khiến nhiều người lên án nhưng cũng không ít người ủng hộ vì ra đường có quá nhiều kẻ coi thường luật pháp.
Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an Hà Nội đã chính thức không tạm đình chỉ công tác đối với trung uý Hoàng Anh (đội CSGT số 3) - người xuất hiện trong clip CSGT “giơ chân” cản người vi phạm. Kết quả xử lý với Trung úy đã vãn hồi nhưng dư luận vẫn chưa lắng vì hành động của CSGT này gây nhiều tranh cãi, phần đông ủng hộ hành động CSGT và cũng không ít người cho rằng hành động đó là phản cảm, cần phải xử lý.
Hình ảnh cắt từ clip |
Trong trường hợp này, cần nhìn nhận vấn đề ở hai góc độ: Người tham gia giao thông và trách nhiệm thực thi công vụ của CSGT.
Trước hết, hành động của CSGT “giơ chân cản người vi phạm” là hành động chưa đúng với chuẩn mực khi thi hành công vụ. Thế nhưng vì sao hành động này lại nhận được sự ủng hộ của không ít người? Rõ ràng, luật pháp của chúng ta khá đầy đủ để điều chỉnh, ngăn chặn các hành vi khi tham gia giao thông, thế nhưng tại sao tình trạng vi phạm an toàn giao thông lại vẫn diễn ra phổ biến như vậy và luôn là mối đe dọa rình rập những người sống thượng tôn pháp luật. Thế nhưng, phản ứng của đám đông lại ủng hộ hành động này liệu có là nguy cơ cho sự lạm quyền và bạo lực hay không?
Dân có quyền “chém gió”, bày tỏ quan điểm trên các diễn đàn xã hội nhưng đã là cán bộ, công chức Nhà nước thì anh phải tuân thủ theo đúng qui định của pháp luật. Hành động của anh CSGT nếu sai với quy định thì đơn vị quản lý phải nhắc nhở, kỷ luật hay cảnh cáo… tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Rõ ràng, hành động vi phạm của 2 thanh niên trong trường hợp này rất đáng bị lên án? Bởi họ đã coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của bản thân và người khác. Nếu không gây tai họa cho chính mình thì họ cũng mang họa cho những người tử tế khác. Ở các nước văn minh, hành động vượt đèn đỏ đã bị coi là cực kỳ nguy hiểm rồi, đằng này lại cố tình đi ngược đường với tốc độ cao thì bị đuổi bắt, xử phạt là xứng đáng.
Hành động vi phạm giao thông, đi ngược chiều là điều không thể chấp nhận được. Nhiệm vụ của CSGT là phải ngăn chặn, xử lý cho đúng pháp luật mà giữ được an toàn cho bản thân và người vi phạm, điều này lại thuộc về kỹ năng nghề nghiệp. Nếu người tham gia giao thông vẫn theo tinh thần “cảm tử” và CSGT khi làm nhiệm vụ với tinh thần “quyết tử” thì hậu quả sẽ khôn lường. Chưa kể, nếu không may còn biết bao nhiêu người khác bị thương hoặc chết oan vì những hành vi coi thường pháp luật như thế này?
Cả hai hành động, vi phạm giao thông của người tham gia giao thông và giơ chân cản người vi phạm của CSGT đều không được cổ xúy. Bởi một xã hội phát triển văn minh thì sự tự do, tôn trọng của người dân được thể hiện bằng thái độ chấp hành nghiêm luật pháp./.