Chặng đua “nước rút”

Mục tiêu lớn nhất của mỗi ứng cử viên là làm thế nào để lấy được phiếu của cử tri. Cơ hội lớn cũng đồng nghĩa với thách thức lớn.

Những ngày này, chiến dịch tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đang được đồng loạt triển khai ở tất cả các địa phương trên cả nước. Có thể coi  “chặng đua nước rút” và kỳ “sát hạch” mang tính quyết định này vừa là cơ hội vừa là thách thức với mỗi ứng cử viên.

Ra mắt cử tri, tự giới thiệu về bản thân, trình bày chương trình hành động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, trả lời những câu hỏi mà cử tri đặt ra… đó là những việc mà bất cứ ứng cử viên đại biểu dân cử nào cũng phải trải qua ở các kỳ tiếp xúc cử tri.

Mục tiêu lớn nhất của mỗi ứng cử viên là làm thế nào để lấy được phiếu của cử tri. Cơ hội lớn cũng đồng nghĩa với thách thức lớn.

Theo quy định, ứng cử viên đại biểu Quốc hội có ít nhất 10 cuộc tiếp xúc cử tri, ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh có ít nhất 5 cuộc và ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện và cấp xã ít nhất 3 cuộc.

Với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, nhất là những ứng cử viên lần đầu tiên ứng cử sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Từ khi có danh sách chính thức tới ngày bầu cử, quỹ thời gian chỉ chưa đầy một tháng, do vậy thời gian để chuẩn bị, nghiên cứu tình hình thực tế không nhiều.

Trong khoảng 2 tuần phải có ít nhất 10 cuộc tiếp xúc cử tri; Nơi tiếp xúc cử tri có thể không phải là địa phương mình sinh sống; Cử tri gồm nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau, mối quan tâm khác nhau, nhận thức khác nhau… Trong một khoảng thời gian nhất định, mỗi người phải trình bày chương trình hành động sao cho có tính thuyết phục hơn hẳn các ứng viên khác. Đó là việc khó, thể hiện năng lực riêng của mỗi người.

Việc có điều kiện để thể hiện năng lực riêng của mình cũng chính là cơ hội. Ai đưa ra được chương trình hành động đáp ứng mong muốn của cử tri, có kỹ năng diễn đạt tốt, cử chỉ thân thiện, thể hiện sự hiểu biết về nơi mình ứng cử, trả lời lưu loát, thuyết phục những vấn đề mà cử tri đặt ra…, sẽ tạo được ấn tượng tốt.

Ở giai đoạn này, quan trọng nhất là ứng cử viên phải đưa ra một chương trình hành động có sức thuyết phục. Chương trình đó phải gắn bó thiết thực với cuộc sống, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, với những giải pháp rõ ràng, cụ thể, có tính khả thi cao.

Bởi vậy, nếu không chuẩn bị chu đáo, không nghiên cứu kỹ càng tình hình địa phương nơi mình ứng cử, thì dù có một lý lịch “đẹp”, ứng viên cũng khó “thi đỗ” với một chương trình hành động không rõ ràng và hình ảnh mờ nhạt khi đi vận động bầu cử.

Mục đích của việc tiếp xúc cử tri là giống nhau, nhưng mỗi ứng viên sẽ  có cách tiếp cận khác nhau. Có người hứa rất nhiều, có người không hứa hẹn cụ thể mà chỉ hứa sẽ làm hết sức mình nếu trúng cử.

Cử tri sẽ nghiêm túc và khắt khe chấm “bài thi” của mỗi ứng viên dựa trên những yêu cầu vừa nêu. Và chắc chắn họ sẽ ghi nhớ và đánh giá xem ai đã hứa những gì, khả năng hiện thực hóa lời hứa ra sao? Một khi đã chọn ai, họ cũng sẽ giám sát, kiểm tra xem việc thực hiện lời hứa ấy thế nào.

Như vậy, để có kết quả bầu cử tốt, chúng ta không chỉ cần các ứng cử viên thể hiện được hết mình; mà còn cần các cử tri thực sự công tâm, có ý thức trách nhiệm cao khi đánh giá và lựa chọn người đại diện cho mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên