Châu Á hợp tác hướng tới tăng trưởng lành mạnh và bền vững
Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay, châu Á đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của cả thế giới.
Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2012 với chủ đề “Châu Á trong thế giới biến đổi, hướng tới phát triển lành mạnh và bền vững” đã tạo ra một cơ hội quan trọng để các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và giới học giả đến từ nhiều nơi trên thế giới đi sâu phân tích những khó khăn, thách thức và cả những cơ hội mà châu Á đang có hay đang gặp phải, từ đó đề ra các kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy châu Á phát triển nhanh, bền vững hơn.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay, châu Á đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của cả thế giới. Vị thế kinh tế của châu Á đang ngày càng nâng cao rõ rệt-chiếm hơn 30% tổng lượng kinh tế thế giới, đóng góp khoảng 30% GDP toàn cầu và được dự báo có thể sẽ chiếm khoảng 1 nửa sản lượng, đầu tư, thương mại toàn thế giới vào năm 2050. Bên cạnh đó, các nền kinh tế châu Á đã không ngừng nâng cao khả năng tự miễn dịch trước các rủi ro, cũng như có khả năng thích ứng tốt và phục hồi nhanh sau các cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, những thách thức mà các nền kinh tế châu Á đang gặp phải cũng không phải là ít, nó đến từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Với đại đa số là những nền kinh tế có trình độ phát triển thấp, không đồng đều, các nước châu Á đang đối mặt với áp lực về tài nguyên môi trường ngày càng tăng, tồn tại thách thức về an ninh, ổn định, một số nước và khu vực kinh tế suy giảm, giá cả hàng hóa tăng, áp lực về việc làm…
Bên cạnh đó, những thách thức về an ninh phi truyền thống như thảm họa thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng đặt các nước châu Á trước nhu cấp cấp bách là thay đổi phương thức tăng trưởng, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững hơn.
Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh đến tăng trưởng nội sinh như một xu thế phát triển mới của loại hình kinh tế mở của châu Á. Châu Á vẫn đang có những lợi thế so sánh nổi bật khi dân số chiếm 45% dân số toàn cầu, đại đa số các nước đều là các quốc gia đang phát triển với trình độ phát triển không đồng đều, tiềm lực thị trường tiêu dùng trong nước lớn.
Châu Á cũng là nơi có nguồn tài nguyên lao động, có đội ngũ kỹ sư, nhân viên nghiên cứu lớn nhất thế giới. Phó thủ tướng trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng, nếu phát huy đầy đủ lợi thế so sánh trên, cùng với việc tham gia cạnh tranh toàn cầu, mở rộng thị trường trong nước, cũng như việc đảm bảo tăng trưởng đầu tư hợp lý, phát huy vai trò của tiêu dùng, tiến bộ khoa học kỹ thuật và trình độ lao động vv, kinh tế châu Á nhất định sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.
Mở cửa, hợp tác cùng có lợi được xác định là yêu cầu khách quan cũng như là con đường hữu hiệu để châu Á phát triển lành mạnh, bền vững. Các đại biểu cho rằng, kinh tế châu Á phát triển được trong thời gian qua là nhờ mở cửa, và đương nhiên châu Á cần phải tiếp tục mở cửa hơn nữa trong thời gian tới, trong đó bao gồm mở cửa với thế giới và giữa các quốc gia ở châu Á với nhau. Việc mở cửa sẽ giúp các quốc gia bổ sung, hỗ trợ cho nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu như biến đối khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng vv.
Những kiến nghị về trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về điều hành chính sách vĩ mô cũng được nhiều đại biểu đưa ra nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới tăng trưởng của khu vực và thế giới. Các thể chế khu vực cần có chính sách hỗ trợ các nước thực hiện tái cấu trúc, vượt qua thách thức phát triển thông qua tạo các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, chính sách, mô hình phát triển, thúc đẩy liên kết và hội nhập giữa các nước trên các mặt chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hợp tác giữa các thể chế trong khu vực với các cơ chế ngoài khu vực.
Phát triển hòa bình được coi là nền tảng quan trọng để châu Á phát triển lành mạnh, bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và trật tự quốc tế mới, sự phồn vinh và phát triển của các nước chỉ có thể có được thông qua hòa bình và hợp tác. Vì vậy, những vấn đề do lịch sử để lại hay những vấn đề mới nảy sinh, đều cần phải được nhìn nhận và giải quyết dưới tầm nhìn chiến lược và sự duy trì quan hệ hữu nghị và phát triển giữa các bên trên cơ sở tôn trọng lịch sử, tôn trọng nguyên tắc cơ bản quan hệ quốc tế.
Trong thế giới đang biến đổi, mặc dù có các thể chế chính trị, mô hình kinh tế, trình độ phát triển khác nhau, nhưng châu Á đang có tiếng nói chung. Đó là nỗ lực phát triển kinh tế, đẩy nhanh hiện đại hóa. Nói như nhiều đại biểu, châu Á có cơ hội nhiều hơn thách thức, hy vọng nhiều hơn khó khăn, và nếu các nền kinh tế biết cùng nhau hợp tác, nắm bắt cơ hội, châu Á nhất định sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn./.