Chỉ số hài lòng của người dân
Việc đánh giá chỉ số hài lòng của dân đối với cơ quan công quyền đều không ngoài mục đích xây dựng Nhà nước ngày càng mạnh lên
Trong phiên họp sáng 27/10 của Quốc hội được Đài TNVN tường thuật trực tiếp, góp ý về tình hình thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của Chính phủ, có đại biểu kiến nghị: “Quốc hội cần đưa tiêu chí về chỉ số hài lòng của dân đối với các cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội hằng năm”.
Đây là một ý kiến đáng được ghi nhận. Bởi hơn tất cả mọi số liệu, dẫn chứng, sự hài lòng hay không của người dân là thước đo chính xác nhất hiệu quả của bộ máy công quyền mà cử tri đã trực tiếp bầu ra để thay mặt mình cai quản đất nước.
Chỉ số hài lòng chỉ mức độ đáp ứng yêu cầu của dân trong lĩnh vực dịch vụ công (Ảnh minh hoạ) |
Không phải bây giờ chúng ta mới nghĩ đến chuyện hài lòng của người dân đối với cơ quan công quyền. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Cán bộ cách mạng là công bộc, là đày tớ của nhân dân”. Gọi là “Công bộc” vì anh là cán bộ nhà nước, chỉ làm việc công phục vụ nhân dân- những người đã tin tưởng bầu cho mình. Bác còn dặn: người làm việc cho dân phải “Cần kiệm liêm chính chí công vô tư”. Tức là phải “phục vụ dân chứ không phải để đè đầu cưỡi cổ dân”, không để dân phàn nàn.
“Chỉ số hài lòng của dân” hiểu theo góc độ quản lý nhà nước là mức độ hoàn thành công việc của cơ quan công quyền mà dân đã giao phó, đã ủy quyền theo hiến pháp và pháp luật. Cụ thể là mức độ đáp ứng yêu cầu của dân trong lĩnh vực dịch vụ công.
Mấy năm gần đây, trước yêu cầu cải cách bộ máy hành chính, một vài địa phương như TP HCM, Đà Nẵng đã tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của dân với cơ quan công quyền ở các lĩnh vực có sự tham gia của người dân, mức độ công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công….
Tuy nhiên nhiều chuyên gia tỏ ý nghi ngờ chỉ số 90% hài lòng với các cơ quan công quyền mà TP HCM công bố vì cho rằng: Người dân biết trả lời gì khi người đặt câu hỏi lại là chính quyền địa phương?! Tâm lý ngại đụng chạm của người dân đã cho ra những kết quả không mấy thuyết phục. Bởi trong một khảo sát do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tiến hành đầu năm nay, có 90% trong số 6.000 người tại 30 tỉnh thành được hỏi trả lời rằng họ sẵn sàng chi khoản 100.000 đồng lót tay cho một việc gì đó mà không muốn tố cáo tham nhũng.
Đó là chuyện ở địa phương, với những lĩnh vực rất cụ thể, đời thường. Còn chỉ số hài lòng nêu ra tại diễn đàn Quốc hội là chỉ số hài lòng của người dân ở tầm vĩ mô, là mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương, là chuyện thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, của Chính phủ trước Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của dân. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hàng chục triệu cử tri gửi gắm nguyện vọng thông qua những đại biểu mà mình đã trực tiếp bầu ra.
Trong phiên thảo luận 27/10, nhiều đại biểu “ nhất trí cao” với các báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của chính phủ, nhưng cũng không ít ý kiến chưa hài lòng về một số vấn đề.
Đó là tình hình lạm phát còn cao, việc cắt giảm đầu tư công chưa kiên quyết, các biện pháp thắt chặt tín dụng theo kiểu dàn đều chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn gây ra phản ứng ngược, tác động xấu đến hoạt động của hàng vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ - nơi tạo ra phần lớn việc làm cho người lao động.
Làm sao người dân có thể hài lòng khi các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước… thành phần đang nắm giữ đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA nhưng chỉ đóng góp khoảng 37% -38% GDP.
Dân làm sao có thể hài lòng khi câu chuyện ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn vẫn chưa có cách giải quyết, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông vẫn không giảm; chất lượng giáo dục nói mãi mà vẫn chưa có cải thiện nào đáng kể; Tình trạng tham nhũng lãng phí chưa được đẩy lùi. Người dân sao có thể hài lòng khi tình trạng đô thị phát triển tràn lan, thiếu qui hoạch, rừng tiếp tục bị phá, đất trồng lúa bị thu hẹp, khu công nghiệp bị bỏ hoang …
Việc đánh giá chỉ số hài lòng của dân đối với cơ quan công quyền dù là ở cơ sở hay cấp vĩ mô đều không ngoài mục đích xây dựng Nhà nước ngày càng mạnh lên, hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ mà dân ủy thác. Song để làm được điều đó, Nhà nước cần thể chế hóa nguyện vọng của dân bằng pháp luật.
Về phía người dân, cũng phải mạnh dạn hơn trong việc ra đề bài và kiểm tra mức độ hoàn thành của chính quyền các cấp. Việc đánh giá chỉ số hài lòng của dân với cơ quan nhà nước cũng cần được tiến hành một cách cách khoa học và khách quan.
“Thuốc đắng dã tật”, một ý kiến chưa hài lòng của dân dù được phản ánh trực tiếp ở cơ sở hay qua ý kiến của đại biểu ở Hội đồng Nhân dân, ở diễn đàn Quốc hội đều là một liều thuốc giúp Chính quyền các cấp soi lại mình trong việc thực thi nhiệm vụ mà dân tin tưởng giao phó. Có như vậy, nhà nước ta mới làm tròn chức năng là nhà nước của dân- do dân và vì dân./.