Chỉ số PCI 2009 nói điều gì?

Có thể coi chỉ số PCI là thông điệp hữu hiệu thúc đẩy những cải cách của các bộ, ngành Trung ưong, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2009 của 63 tỉnh và thành phố trong cả nước. Chỉ số PCI 2009 cho thấy, ở hầu hết các địa phương đã từng bước cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh, có bước tiền về cải cách thủ tục hành chính. Tuy vậy, một số tỉnh và thành phố lớn lại tiếp tục giật lùi thứ bậc xếp hạng so với các năm trước đó.

Đây là năm thứ 5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố chỉ số  năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2009 dựa trên kết quả điều tra gần 10.000 doanh nghiệp tư nhân (tăng hơn 2.000 doanh nghiệp so với cuộc điều tra năm 2008). VCCI phát phiếu điều tra cho các doanh nghiệp đánh giá khách quan chất lượng thực tế của việc điều hành kinh tế của  địa phương  bằng cách chấm điểm dựa trên 9 tiêu chí: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và cuối cùng là thiết chế pháp lý.

Chỉ số PCI năm 2009 khẳng định Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước về chất lượng điều hành kinh tế, tiếp đến là Bình Dương; các tỉnh Lào Cai, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc lần lượt nằm trong nhóm xếp hạng có chất lượng điều hành kinh tế rất tốt; các tỉnh Điện Biên, Cà Mau, Long An có thành tích tốt nhất về cải cách chất lượng điều hành kinh tế theo chỉ số PCI từ năm 2006-2009.

Đánh giá chung về bảng xếp hạng năm nay thấy, chất lượng điều hành chung của cả nước có sự cải thiện, thể hiện ở số tỉnh được xếp trong nhóm Rất tốt, Tốt và Khá đều tăng. Số tỉnh trong nhóm Trung bình, Tương đối thấp và Thấp giảm từ 34 xuống 10 tỉnh. Điều này cho thấy nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm của lãnh đạo các tỉnh, thành phố bất chấp bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

Mặt khác, chỉ số PCI 2009 ghi nhận những bước tiến đáng kể của các địa phương về cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là ở chỉ tiêu về chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước và chi phí gia nhập thị trường. Một số tiêu chí khác như Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý cũng có những tiến bộ đáng kể. Riêng với tiêu chí đào tạo lao động, các tỉnh như Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là những địa phương tiêu biểu khi xây dựng được đội ngũ lao động có chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp.

Chỉ số PCI 2009 cũng cho thấy, các tiêu chí: Tính minh bạch, Chi phí không chính thức và Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh nhìn chung bị giảm sút so với năm trước. Hơn 61% số doanh nghiệp cho rằng vẫn cần phải có mối quan hệ mới tiếp cận được các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh; chỉ có 8,4% doanh nghiệp cho rằng có thể dự đoán được việc thực thi pháp luật của tỉnh; 41% doanh nghiệp cho rằng thương lượng với cơ quan thuế về mức thuế phải nộp là công việc phổ biến. Lao động, nhân lực và cơ sở hạ tầng vẫn là hai trong số 4 khó khăn hàng đầu doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có những lợi thế mà không địa phương nào có được về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô của thị trường, mức độ phát triển của dịch vụ, công nghệ  thông tin  hay nguồn nhân lực; chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 40% số lượng  các doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài của cả nước.

Nhưng điều đáng buồn là chỉ số PCI 2009 của Hà Nội tụt 2 bậc và thành phố Hồ Chí Minh tụt 3 bậc. Xin được nhắc lại là, chỉ số PCI chỉ đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của bộ máy chính quyền địa phương, chủ yếu dựa trên đánh giá, cảm nhận của các doanh nghiệp  đang hoạt động  tại chính địa phương đó. PCI hai thành phố  này không cao chủ yếu do mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây về độ thông thoáng, thuận lợi của thủ tục hành chính rất khiêm tốn. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh luôn nằm trong nhóm cuối cả nước về chi phí không chính thức và chi phí thời gian.

Cụ thể, 137 doanh nghiệp của Hà Nội (trong số 502 doanh nghiệp trả lời điều tra) và 103 doanh nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh (trong số 435 doanh nghiệp trả lời điều tra) cho rằng thủ tục hành chính là một trong những khó khăn hàng đầu của mình. Hoặc 69% doanh nghiệp tại Hà Nội và 67% doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết thường xuyên trả các chi phí không chính thức đều cao hơn mức bình quân 59% của cả nước. 32 doanh nghiệp tại Hà Nội và 18 doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nhũng nhiễu, tiêu cực là khó khăn hàng đầu đối với họ.     

Để các tỉnh và thành phố tiếp tục mở cửa, chào đón các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào địa phương mình, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng…, các địa phương cần nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh và nâng cao chất lượng đào tạo lao động. Bởi đây  là hai yếu tố quan trọng giúp cho các tỉnh, thành phố có thể tăng cường thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, thông qua chỉ số PCI, các địa phương nhận thấy rõ điểm mạnh và điểm yếu của môi trường kinh doanh ở địa phương mình, qua đó tạo động lực và sức ép cho bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục cải cách. Chỉ số PCI đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, nó không chỉ giúp các địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế mà còn có thể coi là thông điệp hữu hiệu thúc đẩy những cải cách của các bộ, ngành Trung ương, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ở nước ta ngày càng lành mạnh, thông thoáng hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên