Chìa khoá của thành công
Bắt đúng mạch tình hình thực tế đất nước giai đoạn hiện nay, không né tránh, kết luận của Bộ Chính trị được coi là liệu pháp hữu hiệu tạo sự quyết tâm và đồng thuận của toàn xã hội vượt qua khó khăn, thử thách
Trong kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 vừa được ban hành ngày 16/3 vừa qua, đã chỉ rõ: bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thì những khó khăn, thách thức của đất nước vẫn còn rất lớn. Vượt qua những khó khăn thách thức này, cần nghị lực và trí tuệ của cả dân tộc, và cần những giải pháp hướng tới sự đồng thuận và ổn định xã hội…
Chưa kể những khó khăn từ bên ngoài do tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, ở trong nước, kinh tế - xã hội tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, thậm chí lớn hơn so với dự báo cuối năm về lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Kết luận của Bộ Chính trị đã bắt đúng mạch tình hình thực tế đất nước trong giai đoạn hiện nay, không né tránh thực trạng, chỉ ra những yếu kém bất cập như tăng trưởng GDP có xu hướng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010; giá cả, lạm phát, mặt bằng lãi suất tăng cao; tình trạng đô la hoá và sử dụng vàng để kinh doanh, làm công cụ thanh toán trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn; dự trữ ngoại hối giảm; việc cung cấp điện còn nhiều căng thẳng… Thực trạng này, như kết luận của Bộ Chính trị, đã “tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, người về hưu, cán bộ, công chức, viên chức”. Nguy hiểm hơn, “ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và những năm tiếp theo…”.
Từ đánh giá khách quan tình hình kinh tế - xã hội đất nước, kết luận của Bộ Chính trị xác định chủ trương với 3 trụ cột chính là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; và bảo đảm an sinh xã hội.
An sinh xã hội chính là tạo ra các chính sách hài hoà về lợi ích, chú ý tầng lớp dễ bị tổn thương, nhất là nông dân, người nghèo, hạn chế những bất đồng, xung đột từ phân chia, hưởng lợi thiếu công bằng, minh bạch… Kết luận của Bộ Chính trị đề cao giải pháp an sinh xã hội, với những lưu ý cụ thể:
- Thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội đã ban hành; đồng thời sâu sát nắm tình hình để hỗ trợ kịp thời các đối tượng khác, kể cả đối tượng cận nghèo, người thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn do tác động của lạm phát và điều chỉnh giá.
- Tập trung ưu tiên nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất và quản lý tốt hoạt động xuất khẩu lương thực, thực phẩm, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn.
Trong giải pháp về tiền tệ, tín dụng, kết luận của Bộ Chính trị đã rất chú trọng đến tiêu chí an dân. Việc quản lý thị trường vàng, đô la là cần thiết và cấp thiết, nhưng Kết luận của Bộ Chính trị chỉ rõ: phải có lộ trình và biện pháp phù hợp trong từng thời kỳ, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người có tài sản này; Quan tâm đến nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và nhân dân, tránh tạo ra các “cú sốc” về tâm lý gây bất ổn xã hội; Tăng cường quản lý hoạt động các ngân hàng thương mại, tránh rủi ro về nợ xấu, bảo đảm tính thanh khoản; Khắc phục những bất hợp lý về lợi nhuận và thu nhập trong lĩnh vực này…
Thực tế, giai đoạn vừa qua, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, lợi nhuận thấp, nhưng lãi suất vay ngân hàng lại tăng cao. Điều này chỉ có lợi cho các ngân hàng thương mại, với nguồn lợi nhuận lớn và thu nhập cao, trong phản ánh đúng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thực tiễn cho hay, vào những giai đoạn đất nước gặp khó khăn, thậm chí rơi vào khủng hoảng, từ cuộc sống, những mô hình, điển hình mang tính sáng tạo lại xuất hiện, trở thành tiền đề cho những chủ trương chính sách mang tính đột phá. Chúng ta hy vọng, chính vào giai đoạn khó khăn và thách thức này sẽ có nhiều điển hình với nhiều sáng tạo đóng góp vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hoà. Kinh nghiệm cũng cho hay, vào những thời điểm đất nước đối mặt với những thách thức lớn, những chỉ thị, kết luận kịp thời, chuẩn xác của Bộ Chính trị bao giờ cũng mang lại niềm tin, sức sáng tạo mới, nguồn lực mới để đất nước ổn định và phát triển.
Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội đất nước lần này đáp ứng kịp thời đòi hỏi của diễn biến tình hình kinh tế - xã hội đất nước, tâm tư, nguyện vọng của đại đa số nhân dân. Kết luận đã đánh giá đúng thực trạng tình hình, xác định rõ chủ trương và giải pháp, kịp thời điều chỉnh, định hướng một vài chủ trương, việc làm cụ thể, nhất thời đang gây “cú sốc” về tâm lý trong xã hội.
Việc Bộ Chính trị kịp thời có kết luận về tình hình kinh tế - xã hội đất nước năm 2011, đúng vào thời điểm này, chính là liệu pháp hữu hiệu tạo nên yếu tố quyết tâm và đồng thuận của toàn xã hội, để toàn Đảng, toàn dân tổ chức triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Chính phủ./.