Chính sách tiền thuê đất: Đánh giá nhiều chiều
Ở đây chúng ta chưa bàn tới các giải pháp thực thi pháp luật. Điều cần xem xét là chính sách giá thuê đất này tác động như thế nào tới nền kinh tế
Cùng với biến động tăng giá của rất nhiều yếu tố đầu vào, chuyện giá thuê đất năm 2011 tăng cao, thậm chí gấp 7 - 10 lần so với trước đang là gánh nặng thêm cho các doanh nghiệp trong giai đoạn đầy khó khăn này. Hiện có nhiều quan điểm xung quanh chuyện tăng tiền thuê đất theo Nghị định 121 của Chính phủ, nhưng điều quan trọng, cần nhìn nhận tác động của chính sách tới nền kinh tế trong ngắn hạn, cũng như dài hạn.
Nghị định số 121 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 142 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước có hiệu lực từ ngày 1/3/2011. Điều được quan tâm nhất là đơn giá thuê đất. Theo Nghị định 121, chỉ xét riêng với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm, giá thuê đất bằng 1,5% - 3% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê do UBND cấp tỉnh ban hành. Trong trường hợp này, giá thuê đất tăng từ 1,5 - 3 lần so với quy định trước đây tại Nghị định 142. Điều quan trọng hơn là giá tính tiền thuê đất được xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường.
Chỉ trong tháng 7/2011, đã có hàng chục cuộc đối thoại của doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp với UBND các tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về giá thuê đất được tổ chức, với nhiều kiến nghị gửi tới Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ở các địa phương, việc thu tiền thuê đất mỗi nơi một kiểu, do còn chờ thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính. Thậm chí đã có nơi “lách” quy định, với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như tỉnh Nghệ An, giảm mức thu tiền thuê đất cho doanh nghiệp thông qua việc điều chỉnh hạ mức giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp xuống còn 50%, đồng thời điều chỉnh giảm hệ số đơn giá thuế đất ở mức cao nhất xuống thấp hơn mức 2 lần được quy định tại Nghị định 121.
Về những giải pháp cụ thể để thực thi các Nghị định 121, 142 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, Bộ Tài chính đã ra các Thông tư 93, 94, sẽ có hiệu lực vào ngày 15/8 này để hướng dẫn thi hành. Còn rất nhiều điều cần làm rõ, như “giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường”, thường hay gọi là “giá thị trường” là giá nào, khi mà đất đai ở nhiều địa phương thường bị thổi giá do đầu cơ, rồi chuyện chính sách cho thuê đất đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ưu ái hơn các doanh nghiệp trong nước, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước…
Ở đây chúng ta chưa bàn tới các giải pháp thực thi pháp luật. Điều cần xem xét, chính sách giá thuê đất này tác động như thế nào tới nền kinh tế? Trong ngắn hạn, có thể nói thời điểm thực thi Nghị định 121 vô cùng bất lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, bởi có thể nói là khó chồng khó. Gánh nặng phí đầu vào sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh, giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp gặp khó, ảnh hưởng tới thu nhập, công ăn việc làm của người lao động, thu ngân sách từ thuế của doanh nghiệp sẽ giảm.
Tuy nhiên nhìn về dài hạn, chính sách về giá thuê đất, mặt nước theo hướng tăng như quy định tại Nghị định 121 của Chính phủ phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế, trong định hướng chiến lược giai đoạn 2011-2020, với quan điểm phát triển mà Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nêu rõ: “Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững”.
Trước nay, chúng ta đạt được tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, bằng cách khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên, sử dụng lao động rẻ, thì nay để phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, tài nguyên thiên nhiên, trong đó có đất đai phải được sử dụng hiệu quả. Với quan điểm này, việc tăng tiền thuê đất chính là để sử dụng hợp lý đất đai, tránh việc lấy ưu đãi “đất rẻ” để thu hút đầu tư.
Điều tra của Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính mới đây cho thấy, hiện có hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng tiền thuê đất một năm chưa đến 3.000 tỷ đồng. Các khoản thu từ đất chỉ chiếm khoảng 8% tổng thu ngân sách, trong đó thu từ thuê đất chỉ chiếm 1/10 các khoản thu từ đất. Một ví dụ do chính một doanh nghiệp ở Hải Phòng đưa ra cho thấy, giá đất doanh nghiệp này phải thuê hiện nay gấp 20 lần trước đây. Nhưng xem lại giá thuê trước đây của họ chỉ là 1.000 đồng/m2/năm, trong suốt một thời gian dài không điều chỉnh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các tổ chức, cá nhân sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích.
Cũng đặt trong tầm nhìn dài hạn, từ năm 2010 nước ta đã gia nhập nhóm các nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Chính sách phải phù hợp với nền tảng mới, thực lực mới để tránh mắc kẹt vào bẫy thu nhập trung bình giống một số nước phát triển trước ta như Malaysia, Thái Lan - không thể duy trì khả năng cạnh tranh của một nhà sản xuất quy mô lớn, chi phí thấp, nhưng cũng không thể tiến lên phía trên chuỗi giá trị và đạt tăng trưởng cao. Đó là các chính sách có khả năng phân loại, định hướng đầu tư.
Chính phủ đã ban hành danh mục những ngành nghề khuyến khích phát triển, như lĩnh vực công nghệ cao, các ngành công nghiệp hỗ trợ, các lĩnh vực đầu tư chiều sâu trong nông, lâm, thủy hải sản… Cụ thể tại các Nghị định 121, 142, cũng có quy định cụ thể về giảm tiền thuê đất cho các lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Đây là những định hướng lớn, có tác dụng sàng lọc từ tầm vĩ mô.
Từ việc nhìn nhận tác động của Nghị định 121 của Chính phủ về cho thuê đất, mặt nước, có thể thấy rằng, đánh giá tác động chính sách cần xem xét từ ngắn hạn cho tới dài hạn, để từ đó có cách ứng xử phù hợp, vượt qua được khó khăn trước mắt để tiến tới đích xa hơn trên con đường phát triển./.