Cho một trường thi “sạch”
(VOV) -Để có được một kì thi thực sự nghiêm túc, thì cán bộ quản lí, giám thị coi thi phải làm hết trách nhiệm.
Hơn một triệu học sinh cả nước đang chuẩn bị bước vào kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Nhằm phòng chống gian lận, không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như năm ngoái ở Đồi Ngô – Bắc Giang, năm nay ngành giáo dục cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Tuy nhiên, qui định đó chỉ có tác động tâm lý, chứ không phải là sự đảm bảo chắc chắn cho một kì thi nghiêm túc, công bằng.
Điều mọi người dễ nhận thấy là tuyệt đại đa số học sinh đi thi sẽ tập trung làm bài cho tốt để đạt kết quả cao nhất, chứ không phải là chăm chú phát hiện tiêu cực để ghi âm, ghi hình. Bởi, kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học không chỉ chứng nhận cho công sức học hành rèn luyện suốt 12 năm của từng học sinh, mà còn là ghi nhận công lao chăm lo nuôi dạy các em của gia đình và nhà trường.
Đây cũng là một trong nhiều lí do khiến ngành giáo dục chưa thể quyết định bỏ kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học, mặc dù trong nhiều năm qua đã để xảy ra không ít tiêu cực, khiến cho kết quả thi không còn đầy đủ tính nghiêm túc, công bằng và khách quan của nó.
Bên hành lang kì họp Quốc hội đang diễn ra ở Hà Nội, người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo thừa nhận rằng, mọi qui định trong thi cử hiện nay đều mặc định thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lí, giám thị coi thi làm tốt chức trách của mình. Thế nhưng, thực tiễn vừa qua cho thấy có thầy giáo, cô giáo vi phạm, cán bộ quản lí, giám thị coi thi vi phạm. Qui chế giám sát có cách li vòng ngoài vòng trong, nhưng ở nhiều nơi những vòng cách li ấy dễ dàng bị vô hiệu hóa. Trong khi đó, học sinh là chủ thể của nhà trường, các em có quyền giám sát, có quyền yêu cầu một kì thi nghiêm túc, công bằng.
Tất nhiên, qui định cho phép học sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi trên thực tế chỉ có tác động tâm lí, nhưng tác động tâm lí ấy là cần thiết, ít nhất vào thời điểm hiện tại. Để có được một kì thi thực sự nghiêm túc, công bằng và khách quan, thì vai trò của cán bộ quản lí, giám thị, của từng thầy giáo, cô giáo coi thi rất quan trọng. Họ phải thực hiện nghiêm túc mọi qui định hiện hành.
Góp phần vào đó là các lực lượng chức năng có liên quan ở từng địa phương, từng trường thi, và quan trọng không kém chính là các bậc phụ huynh, đừng tìm cách móc nối hay “bắt tay” với tiêu cực. Về lâu dài, căn bệnh thành tích trong giáo dục đòi hỏi toàn xã hội phải chung tay loại bỏ.
Phải kiên quyết mới mong đạt được kết quả khả quan trong cuộc đấu tranh này. Nếu còn dễ dãi thỏa hiệp thì những vi phạm, tiêu cực trong kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ còn ngang nhiên và ngày càng phổ biến hơn, cho dù có thể được ngụy trang bằng những hình thức khác nhau.
Kì thi chung là dịp để đánh giá chất lượng dạy và học, đánh giá đúng thực lực của học sinh, cao hơn nữa là góp phần định hướng nhân cách, tương lai cho các em. Sự đánh giá ấy có khách quan, nghiêm túc, công bằng hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tổ chức thi, quan trọng không kém so với việc ra đề thi và tổ chức chấm thi.
Tất cả những gì xảy ra trong từng phòng thi, trong từng giờ từng phút thi, đều được các em nhìn thấy, nghe thấy. Những dấu hiệu tiêu cực chắc chắn sẽ còn rất lâu và in rất sâu trong các em, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Đề thi văn tốt nghiệp trung học phổ thông năm ngoái yêu cầu các em luận về "thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong đời sống xã hội". Nếu như người lớn chúng ta không dũng cảm vượt qua chính mình thì làm sao có thể dạy được các em trung thực, không dối trá?!./.