Chuyển biến căn bản trong cải cách thủ tục hành chính
Người dân và doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được trên 37% chi phí, tương đương với khoảng 30.000 tỷ đồng/năm
Văn phòng Chính phủ cho biết, có tới gần 90% các thủ tục hành chính được rà soát cần phải được đơn giản hoá. Điều này có nghĩa là hầu hết các văn bản hành chính được rà soát đều quá phức tạp, cần phải sửa đổi lại. Đây là kết quả thực hiện Đề án 30 của Chính phủ nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010, với mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp.
Ngày 10/1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30 phê duyệt Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010, gọi tắt là Đề án 30. Nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, Đề án này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Với quyết tâm tạo chuyển biến căn bản trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Đề án 30 đã xác lập mới một khung pháp lý quan trọng: Người dân tham gia vào quá trình giám sát việc thực thi các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính đã được ban hành; có thể kịp thời phản ánh tới các cơ quan chức năng sự chậm trễ, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.
Quan trọng hơn, đề án đã thực hiện thành công việc thống kê thủ tục hành chính, công bố công khai, minh bạch thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân. Theo đó, căn cứ vào kết quả thống kê, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng Internet. Như vậy, kể từ sau khi giành chính quyền, lần đầu tiên nước ta công khai được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Kết quả này được dư luận quốc tế đánh giá cao, được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước ghi nhận, coi đó là đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế và mở rộng hội nhập. Đây cũng là cơ sở mà Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trong nhóm 10 quốc gia có nhiều cải cách nhất.
Trên cơ sở này, Việt Nam đã chuẩn hoá và thống nhất được bộ thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thu gọn từ 10.000 bộ thủ tục cấp xã, 700 bộ thủ tục hành chính cấp huyện xuống còn 63 bộ thủ tục hành chính cấp xã và 63 bộ thủ tục hành chính cấp huyện tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là một kết quả rất quan trọng, tạo điều kiện để người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp nắm vững và kiểm soát được số lượng thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng tuỳ tiện, thiếu thống nhất về nội dung và số lượng thủ tục giữa các xã, các huyện trong cùng một tỉnh. Mặt khác, đó cũng là điều kiện cần thiết để người dân và doanh nghiệp tham gia giám sát quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực.
Tính đến thời điểm này, Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn 2 của Đề án 30. Theo tính toán sơ bộ của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, có đến 90% thủ tục hành chính được rà soát cần được sửa đổi. Cụ thể có gần 5.000 thủ tục hành chính trong tổng số trên 5.400 thủ tục hành chính được rà soát cần được đơn giản hoá. Theo đó, các cơ quan trung ương phải sửa đổi trên 1.000 văn bản, từ luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, đến Quyết định của Bộ trưởng… Địa phương phải sửa đổi khoảng 3.000 văn bản.
Nếu phương án đơn giản hoá này được thực thi, người dân và doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được trên 37% chi phí, tương đương với khoảng 30.000 tỷ đồng/năm!
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện những bất cập của hệ thống các quy định pháp luật về thủ tục hành chính đang gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp cần phải được tháo gỡ kịp thời. Và bây giờ là thời điểm của những hành động. Người dân mong đợi Nhà nước tổ chức thực thi dứt điểm phương án đơn giản hoá hàng nghìn thủ tục hành chính này, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đơn giản hoá tối thiểu 30% các quy định về thủ tục hành chính và chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính mỗi năm./.