Chuyện đi lại dịp lễ Tết và vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế
Chuyện căng thẳng tàu xe dịp Tết có thể sẽ được cải thiện hơn nếu nhóm giải pháp thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn, thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế được thực hiện tốt.
Vài năm gần đây, cứ đến Tết, câu chuyện vất vả nhọc nhằn về quê đón Xuân của người lao động lại trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Tới cái Tết nào việc đi lại của người dân sẽ dễ dàng hơn? Câu trả lời có thể sẽ nằm trong bản Đề án “Đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn đến năm 2020” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 2 tới.
Vì sinh kế, nhiều người phải xa quê làm ăn, bươn chải, dành dụm cả năm để còn về quê ba ngày Tết. Do vậy, dịp này xe, đò đều quá tải.
Với ngành đường sắt, hiện tượng “bất bình hành” đã trở thành bài toán khó giải trong cân đối kế hoạch vận chuyển hành khách và mục tiêu kinh doanh. Bất bình hành- theo ngôn ngữ nhà tàu- có nghĩa là một chiều rất đông khách, thậm chí quá tải, còn chiều ngược lại rất ít khách.
Đề án Đổi mới và Chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn đến năm 2010 sẽ giúp giảm bớt áp lực của các bến xe vào dịp Tết! |
Thống kê của ngành đường sắt nhiều năm qua cho thấy, vào ngày trước Tết, tàu Thống nhất Bắc-Nam đông nghẹt khách từ phía Nam ra, nhưng chiều phía Bắc vào Nam rất vắng khách. Và cận Tết, nhiều người phải chấp nhận đi xe “dù” với giá trên trời, chỉ mong được về nhà kịp đón Xuân. Có những công nhân với đồng lương khiêm tốn, đành ngậm ngùi đón Tết xa quê. Nhưng những ngày sau Tết, hành trình vào Nam lại rất khó khăn. Để mua được vé tàu xe là cả một hành trình gian nan.
Dòng người dịch chuyển phản ánh sức hút lao động của từng vùng miền. Theo quy luật, ở đâu phát triển, có nhiều việc làm, nơi đó sẽ thu hút nhiều lao động. Vì thế, những thành phố lớn, trung tâm công nghiệp là nơi người lao động tìm đến. Hiện nay, sự phát triển thiếu cân đối, không đồng đều giữa các vùng miền đã dẫn tới sự chuyển dịch lao động lớn mà cứ mỗi dịp Tết đến, tàu xe quá tải mới bộc lộ rõ.
Chuyện vất vả đi lại của người dân dịp Tết có quan hệ mật thiết đến một vấn đề rất vĩ mô, đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào. Hiện nay, cơ cấu đầu tư đang thể hiện sự mất cân đối giữa các ngành, lĩnh vực và từng vùng miền. Do vậy đòi hỏi đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng tiến bộ, thường được gọi là “tái cấu trúc nền kinh tế”.
Theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan xây dựng Đề án Đổi mới và Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2020. Đến nay, Bộ này đã cơ bản hoàn thành Đề án, dự kiến tháng 2 tới trình Chính phủ. Trong 7 nhóm nội dung đổi mới quan trọng được nêu trong đề án, có nhóm Đổi mới, bổ sung và sửa đổi hệ thống các ưu đãi và khuyến khích đầu tư theo hướng: Huy động vốn và tập trung phát triển các ngành, sản phẩm mà nước ta hiện đang có lợi thế cạnh tranh, gồm các sản phẩm nông nghiệp, các ngành công nghiệp, dịch vụ trực tiếp cung cấp các sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp, các ngành công nghiệp và dịch vụ chế biến, hậu cần và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động… Đây chính là nhóm giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn, thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, người dân li nông mà không li hương, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Hiệu quả của Đề án Đổi mới và Chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn đến năm 2020 phụ thuộc vào sự chuẩn bị và cách thức triển khai. Nó sẽ tác động nhiều mặt tới nền kinh tế, nên trong đó, một chuyện dù là rất nhỏ trong muôn mặt đời sống xã hội - là chuyện căng thẳng tàu xe dịp Tết- cũng có thể sẽ được cải thiện hơn, khi sức ép của những dòng người lao động về quê đón Tết được giảm bớt nhờ sự phát triển đồng đều, cân đối ở từng vùng miền- người dân không còn phải xa quê mới có công ăn việc làm tốt./.