Có tạo ra thay đổi lớn?
Sau nhiều lần trì hoãn, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cũng đã quyết định giải tán Hạ viện và tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 30/8 tới. Sự kiện này có tạo ra sự thay đổi lớn ở đất nước Mặt trời mọc?
Đây là một quyết định không thể tránh khỏi của Thủ tướng Taro Aso, khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã thất bại liên tiếp trong các cuộc bầu cử địa phương. Và bản thân ông T.Aso cũng phải chịu sức ép mạnh mẽ trước yêu cầu từ chức của phe đối lập cũng như nội bộ LDP. Thực ra, ông Aso lên nắm quyền vào tháng 9 năm 2008 trong thời điểm không thuận lợi. Ông đã phải kế thừa di sản quá yếu kém của LDP - chính đảng đã lãnh đạo Nhật Bản gần như liên tục kể từ khi thành lập năm 1955.
Nhưng 5 năm qua, với sự lãnh đạo của LDP, kinh tế của xứ sở hoa anh đào không còn được mệnh danh là “phát triển thần kỳ”, mà luôn trong tình trạng trì trệ. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu càng làm cho tình hình kinh tế Nhật Bản tồi tệ hơn. Ông Aso cũng đã có những quyết định quyết liệt như triển khai các gói kích thích kinh tế trị giá nhiều tỷ đô la, đầu tư cho lĩnh vực an sinh xã hội... nhưng tình hình vẫn không sáng sủa hơn, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 lên tới 5,2%.
Ở một đất nước vốn luôn tự hào là không có thất nghiệp, thì tỷ lệ đó khiến không ít người dân bị tổn thương. Hơn thế nữa, sự chia rẽ ngày càng gia tăng trong nội bộ Đảng LDP cũng đã làm suy yếu thêm vị thế trong xã hội. Hệ quả trực tiếp là lòng tin của người dân vào các chính sách của Chính phủ ngày càng giảm sút và tỷ lệ ủng hộ dành cho Đảng LDP chỉ còn chưa đến 15%, bằng một nửa so với tỷ lệ ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ đối lập DPJ. Vì thế, thất bại nặng nề của LDP trong hàng loạt các cuộc bầu cử địa phương vừa qua, dường như là kết cục đã được báo trước. Và điều đó cũng giải thích vì sao, chỉ trong vòng 4 năm qua, Nhật Bản phải thay tới 4 Thủ tướng - đều là những nhà lãnh đạo của LDP, cho thấy sự bất ổn chính trị và vị thế không vững chắc của LDP trên chính trường Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso |
Tuy nhiên, hiện nay, Đảng đối lập DPJ đang có cơ hội khá lớn. Họ có thể giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, khi khoảng 56% số người được hỏi muốn đảng này lên cầm quyền, trong khi chỉ có 23% ủng hộ LDP. Nguyên nhân chủ yếu do LDP không còn sức hấp dẫn như trước đây và cử tri Nhật Bản muốn có sự thay đổi và kỳ vọng vào chính phủ mới sẽ lấy lại sự phát triển thần kỳ cho đất nước. Đó là sứ mệnh mà ngay cả Đảng DPJ, nếu giành được quyền lãnh đạo, cũng chưa biết phải bắt đầu từ đâu.
Trong một xã hội tiêu dùng và người cao tuổi chiếm đa số như Nhật Bản, để giải bài toán đó, hầu hết các chính phủ đều phải thi hành chính sách cải cách chế độ thuế và hưu trí. Tuy nhiên trong quá trình thực thi, do có quá nhiều mối ràng buộc về lợi ích giữa các thành phần trong xã hội và cả tệ tham nhũng, quan liêu, đã khiến nhiều nhà lãnh đạo Nhật Bản phải “ngã ngựa giữa dòng”. Trong khi đó, DPJ cũng còn thiếu kinh nghiệm lãnh đạo đất nước và ngay một số lãnh đạo chủ chốt hiện nay của đảng cũng dính líu tới các vụ bê bối tài chính, tạo mối nghi ngờ về khả năng điều hành đất nước của lực lượng chính trị này.
Thời gian từ nay đến ngày tổng tuyển cử 30/8 không còn nhiều và trong tình thế hiện nay, dư luận nhận định Đảng LDP hầu như không còn cơ hội xoay chuyển được tình thế để duy trì vị trí cầm quyền. Và nếu Đảng DPJ vượt qua những thách thức, tạo dựng được niềm tin đối với cử tri, họ có khả năng giành quyền lãnh đạo, để làm nên sự thay đổi lịch sử ở đất nước Mặt trời mọc./.