“Cơn bão muaban24”: Lòng tham hay thiếu hiểu biết?

Để quy mô của vụ việc ảnh hưởng tới nhiều địa phương như ngày hôm nay có lỗi lớn thuộc về những người tham gia mạng lưới…

Lừa đảo trực tuyến, kinh doanh đa cấp với hàng hóa là các gian hàng ảo. Hàng chục ngàn người ở khắp 32 tỉnh thành trên cả nước trở thành nạn nhân… Thương mại điện tử - loại hình kinh doanh rất thành công ở các nước tiên tiến có vẻ như đang phải chịu tiếng xấu sau “cơn bão” muaban24 thời gian qua cũng như hàng loạt vụ lừa đảo trực tuyến khác. Vậy trong thực tế, môi trường mạng có thực sự nguy hiểm như những gì mà nhiều người hình dung?

Sự “dễ tính”, ngây thơ hay thiếu hiểu biết?

Chỉ sau một thời gian ngắn, “cơn bão” mang tên muaban24 đã gieo những hệ lụy kinh hoàng tới những vùng đất mà nó đi qua, từ Bắc chí Nam. Đến thời điểm này, chiếc “vòi bạch tuộc” của muaban24 đã vươn tới tổng cộng 32 tỉnh thành phố với trên 50 chi nhánh trong cả nước, theo số liệu của C50 Bộ Công an.

Chỉ đến khi những kẻ cầm đầu của hệ thống mang danh thương mại điện tử này bị bắt, mới lộ ra cả ngàn người là nạn nhân của trò lừa đảo này, mới vỡ lẽ ra rằng có những người nông dân chân lấm tay bùn chưa từng biết thế nào là website, là gian hàng ảo vẫn sẵn sàng lao như thiêu thân vào mạng lưới.

Trong vấn đề này có hai câu chuyện muôn thủa và chưa bao giờ cũ. Thứ nhất là câu chuyện về lòng tham. Khi tham gia vào hệ thống đa cấp của muaban24, có những người nông dân biết chắc món hàng ảo là “gian hàng” kia chắc chắn mình chẳng thể dùng vào việc gì vẫn sẵn sàng bỏ ra 5,2 triệu đồng chỉ với  mong muốn nhận được “hoa hồng” từ thương vụ đó, rồi tiếp tục “lừa lại” được người khác.

Mưu mô của những kẻ cầm đầu hệ thống là không thể phủ nhận, nhưng để quy mô của vụ việc ảnh hưởng tới nhiều địa phương như ngày hôm nay có lỗi lớn thuộc về những người tham gia mạng lưới. Cũng giống như chuyện chơi cá độ hay số đề ở môi trường thực, lòng tham đương nhiên đi kèm với những rủi ro rất cao. Khi người chơi được lợi sẽ chẳng ai hay, nhưng tới khi tham lam mất của thì Nhà nước… được yêu cầu can thiệp.

Ngoài câu chuyện về lòng tham, một sơ suất cực lớn nữa là thiếu kiến thức hiểu biết. Trao tiền triệu cho người của mạng lưới kinh doanh đa cấp, mặt hàng nhận được là mấy “gian hàng” được người bán chỉ “khơi khơi” trên máy tính. Không hóa đơn chứng từ, không bảo hành bảo trì.

Sự “dễ tính”, ngây thơ hay thiếu hiểu biết? Có lẽ là cả hai.

Môi trường mạng không có lỗi

Có vẻ như sau rất nhiều khuyến cáo của các cơ quan chức năng và giới truyền thông về những hành vi lừa đảo trực tuyến, nhiều người vẫn chưa rút được kinh nghiệm cho mình. Cũng giống như môi trường thật có người xấu kẻ tốt, môi trường mạng cũng luôn tiềm ẩn những rủi ro từ hành vi xấu của một bộ phận người luôn lợi dụng các khe hở của pháp luật.

TS. Trần Lương Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm Việt (Vietsoftware) nhận định: “Trong câu chuyện này, công nghệ không có lỗi, mà chính người sử dụng công nghệ vào những mục đích trái phép mới đáng bị lên án.” Vị chuyên gia này cũng đưa ra dẫn chứng: Chiếc xe ô tô có khả năng gây ra tai nạn chết người nhưng nó hoàn toàn không có lỗi. Lỗi đó thuộc về người điều khiển chiếc xe đó đã không tuân thủ những quy tắc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, gây phương hại tới tính mạng và tài sản của người khác. Và trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải quản lý để công nghệ không bị lợi dụng thành công cụ phục vụ  mục đích xấu.

Qua những thực tiễn đắng đót về giao dịch trên môi trường mạng thời gian qua mới lộ ra một kẽ hở: Việc đưa ra chứng cứ điện tử tại tòa để kiện bên vi phạm hiện chưa có tiền lệ. Dù Luật Thương mại điện tử hay các nghị định liên quan cũng đã công nhận tính pháp lý của bản ghi trong máy tính hay hóa đơn, chứng từ điện tử, nhưng việc chưa có tiền lệ trong xét xử cũng khiến cho các cơ quan tố tụng băn khoăn không biết phải xử ra sao khi phát sinh tranh chấp.

Theo các chuyên gia, lừa đảo trực tuyến cũng là một dạng tôị phạm mạng. Mọi hoạt động trên đó trong thực tế đều để lại dấu vết và những dấu vết điện tử đó có thể được sử dụng như những bằng chứng thực tế khác. Việt Nam đã gia nhập WTO và nếu không trang bị đầy đủ những kiến thức về lĩnh vực này, sẽ khó lòng tham gia sân chơi quốc tế.

Internet chỉ là một công cụ. Nó hoàn toàn không gây lỗi với người sử dụng và chỉ phù hợp với những ai có hiểu biết về luật chơi , có tâm lý vững vàng khi tham gia sân chơi rộng lớn đó./.                                                                   

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên