“Cơn đói” của nghề báo
Thông tin phải luôn luôn mới mẻ, hấp dẫn, trung thực và chính xác chính là “cơn đói” hành hạ không ngừng mỗi phóng viên cho đến khi họ thôi cầm bút.
Hôm nay (21/6), những người làm báo cả nước trang trọng kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam. 85 năm qua, những người làm báo cách mạng Việt Nam, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, đã vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách để xứng đáng là người thư ký trung thành của thời đại, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đối với mỗi nhà báo và cơ quan báo chí, để luôn giữ được “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, để xứng đáng là cầu nối giữa Đảng với dân, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, đó là một thách thức lớn lao.
Có lẽ cội nguồn niềm vui mà mỗi người làm báo có thể tìm thấy chính là hiệu ứng mà những tác phẩm của họ tạo ra. Bằng thông tin của mình, mỗi nhà báo, đã góp phần thúc đẩy sự tiến bộ.
Bản chất của cái nghề đầy đam mê và cũng lắm thách thức này là thông tin. Thông tin phải luôn luôn mới mẻ, hấp dẫn, trung thực và chính xác. Yêu cầu này chính là “cơn đói” hành hạ không ngừng mỗi phóng viên cho đến khi họ thôi cầm bút. Sống trong sức ép này, người ta có thể trưởng thành và chín chắn hơn nhưng đồng thời nó cũng đẩy những người cầm bút có trách nhiệm rơi vào áp lực và căng thẳng triền miên. Nó có thể mang lại hạnh phúc cho họ nhưng cũng có thể đẩy họ vào bất hạnh. Nó đồng thời tạo ra niềm vui, niềm vinh quang nhưng cũng dễ đưa đến những nỗi buồn mà chỉ những người sống chết với nghề mới hiểu và chia sẻ được.
Hạnh phúc là sau một bài báo hay một loạt tin bài được công bố, có một thay đổi nào đó thực sự diễn ra.
Sau loạt bài về liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chúng ta đã thấy có một bệnh viện khang trang mang tên chị được xây lên từ tâm huyết của xã hội như một sự tri ân với lịch sử. Quan trọng hơn, sự kiện này còn giúp lớp trẻ và cả xã hội tìm thấy niềm tin từ một minh chứng sinh động về một thế hệ đã sống và chiến đấu vô cùng đẹp đẽ; Qua loạt tin bài về vụ ngược đãi cháu Hào Anh ở Cà Mau, chúng ta nghe được tiếng nói công phẫn của cả xã hội với cái ác và sự thờ ơ với cái ác; Sau những hình ảnh về người dân KonTum hàng ngày phải đu dây qua sông Pôkô, chúng ta sắp nhìn thấy một cây cầu sẽ được bắc qua đây từ đóng góp của nhiều nhà hảo tâm trong xã hội… Đó là tác dụng của thông tin và sức mạnh của thông tin. Nó mang đến hạnh phúc, tự hào cho những người đã mang tới công chúng những thông tin ấy.
Nhưng niềm vui của người làm báo thường ngắn ngủi. Bởi vì khi bạn háo hức cầm một tờ báo, nghe hay xem một chương trình nào đó, thì trước đó tác giả của nó đã phải bắt đầu một cuộc săn tìm mới, với những thử thách mới. Công chúng không bao giờ thỏa mãn với những thông tin đã được nói đến từ ngày hôm qua. Ngoài một số hiếm hoi nhà báo có tên tuổi, phần lớn trong số gần hai chục ngàn nhà báo hiện tại ở Việt Nam hầu như vô danh. Âu cũng là sự nghiệt ngã của nghề này.
Chiến đấu với cái xấu và cái ác, các nhà báo chỉ có ngọn bút và cần sự bảo vệ của luật pháp. Có phải là bình thường không khi mà gần đây có quá nhiều nhà báo bị hành hung, bị ngăn cản thô bạo khi tác nghiệp. Khi nằm một mình trong viện vì bị đánh đến thâm tím mặt mày, kẻ thủ ác lại không bị xử lý kịp thời, nhà báo Trần Thế Dũng (phóng viên báo Người lao động) nghĩ gì? Chắc rằng anh có một nỗi đau còn hơn là nỗi đau về thể xác. Và hàng ngày, người làm báo còn đối diện với những áp lực và bầm dập vì có thể tin bài mà họ viết ra bị phán xét hoặc quy chụp bởi những động cơ không trong sáng.
Tất nhiên, làng báo cũng là một xã hội thu nhỏ với những điều tốt đẹp và cả những mặt trái. Trong những năm gần đây, đã xuất hiện không hiếm những thông tin báo chí thiếu chính xác, không trung thực, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của công dân, tổ chức; hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho các doanh nghiệp. Hiện tượng chạy theo thị hiếu thấp hèn của một bộ phận công chúng, đưa những thông tin không phù hợp với văn hoá dân tộc… cũng đã ở mức đáng báo động. Đây là điều mà những người làm báo chân chính và các cơ quan báo chí phải đấu tranh mạnh mẽ để tự thanh lọc; đồng thời báo chí cũng rất cần sự giám sát khắt khe của xã hội và sự công minh của pháp luật.
Tuy vậy, mặt tích cực vẫn là ưu điểm nổi trội của báo chí Việt Nam hôm nay. Thông tin báo chí đang góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới tiến lên. Trong làng báo, thông tin là đẳng cấp. Xã hội luôn dành sự ngưỡng mộ cho những nhà báo, các cơ quan truyền thông mang đến cho độc giả những tin tức mới nhất. Họ cho chúng ta biết được những gì đã và đang thực sự diễn ra, giúp ta hiểu được đâu là bản chất của những vấn đề đang đốt nóng xã hội. Nói cách khác, báo chí chính là tấm gương phản chiếu thái độ và lương tâm của xã hội.
Và để “săn” được thông tin, kể cả trong thời bình, nhiều phóng viên đã đổ cả máu và nước mắt. Nếu ai đã chọn nghề này với lý tưởng phụng sự xã hội, vì sự phát triển lành mạnh của xã hội, thì có lẽ đó là cái giá mà họ phải chuẩn bị tinh thần đón nhận./.