Công an khám ngực phụ nữ sai quy định: Không cần xin lỗi thêm

VOV.VN - Tòa án cho rằng, Công an huyện Tuy An đã mời chị Loan và gia đình đến trụ sở để xin lỗi nên không chấp nhận yêu cầu tổ chức xin lỗi ở nơi cư trú.

Một vụ án hy hữu xảy ra khi nguyên đơn là chị Trần Thị Tố Loan (26 tuổi, ở xã An Cư, huyện Tuy An) khởi kiện yêu cầu Công an huyện Tuy An xin lỗi mình tại nơi cư trú và bồi thường tổn thất tinh thần bằng 10 tháng lương tối thiểu.

Theo đơn khởi kiện, tối 27/10/2012, trong khi chị Loan đang được ông Lưu Minh Quyền (công an huyện Tuy An) lấy lời khai về vụ xô xát với nhóm bà Võ Thị Kim Hương (38 tuổi, ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) vào chiều cùng ngày, thì Thiếu tá Võ Văn Thái - lúc ấy là phó đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự Công an huyện Tuy An - đưa bà Hương đến, yêu cầu chị Loan đứng dậy quay mặt vào tường để bà Hương khám người.

Chị Loan chưa kịp quay người thì bị bà Hương kéo áo ngoài và áo ngực để kiểm tra. Sau đó, chị Loan làm đơn tố cáo.

Những người liên quan có mặt tại Tòa (ảnh Tuổi trẻ)

Vụ án kéo dài từ cuối năm 2013 đến chiều 16/7, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm, tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm của TAND huyện Tuy An, buộc Công an huyện Tuy An bồi thường thiệt hại do cán bộ thuộc quyền tổ chức khám người một phụ nữ trái luật.

Tòa tuyên buộc bị đơn là Công an huyện Tuy An phải bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín cho chị Loan bằng hai tháng lương cơ bản (2,3 triệu đồng); ông Thái có trách nhiệm trả lại số tiền trên cho Công an huyện Tuy An khi có yêu cầu.

Tòa cũng cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án, Công an huyện Tuy An đã mời chị Loan và gia đình đến trụ sở để xin lỗi nên không chấp nhận yêu cầu tổ chức xin lỗi ở nơi chị Loan cư trú.

Chưa nói đến việc bên nguyên đơn (chị Loan) có chấp thuận số tiền bồi thường theo tuyên của TAND Phú Yên hay không, nhưng dư luận bức xúc với phán quyết “không chấp nhận yêu cầu tổ chức xin lỗi ở nơi chị Loan cư trú” của Tòa phúc thẩm tỉnh Phú Yên.

Rõ ràng, từ phiên sơ thẩm đến phúc thẩm đều khẳng định những cán bộ công an này đã sai nguyên tắc, sai qui trình công tác. Bởi lúc 22h đêm họ lại đưa người mâu thuẫn với chị Loan đến chửi bới, kéo áo soát người, rồi còn bị công an chụp hình như làm lý lịch bị can đối với người nghi phạm tội. 

Cách làm này của ông Thái khiến nhiều người bức xúc, bất bình, vì xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Điều này cũng đã được thể hiện trong các kết luận của Thanh tra Công an Phú Yên, thông báo giải quyết tố cáo của giám đốc Công an tỉnh Phú Yên và đều đã có giá trị pháp luật. Thực tế, các kết luận đã được thực thi bằng việc kỷ luật khiển trách ông Thái, kiểm điểm rút kinh nghiệm ông Quyền.

Có làm có sai, đó là chuyện dễ hiểu, nhưng cách khắc phục nó thế nào mới là quan trọng. Ở Việt Nam, văn hóa xin lỗi trong lĩnh vực công quyền dường như là một sự xa xỉ. Dân sai, dân xin lỗi – chuyện bình thường. Cán bộ sai, nhưng để được xin lỗi còn phải đợi lâu lâu. Bởi sau những lời xin lỗi ấy là quyền lợi, là danh dự của người phạm lỗi. Xin lỗi có nghĩa anh thừa nhận mình sai. Đã làm sai thì chắc chắn phải nhận kỷ luật, khiển trách, ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức. Nhiều khi nó còn là “cái sự sĩ diện” với làng xóm, bạn bè, đồng nghiệp, mang tiếng cả đời!

Một lẽ rất thường tình trong cuộc sống, con tôi đánh con người khác, tôi phải đến nhà người đó để xin lỗi chứ không thể đợi người đó đến nhà tôi bắt đền rồi mới xin lỗi. Ở đây là người Nhà nước, đã làm sai quy định thì không có quyền yêu cầu bị hại đến trụ sở cơ quan để xin lỗi mà phải trực tiếp đến nơi cư trú của bị hại để xin lỗi. Vì vậy, chưa nói đến mặt pháp luật mà nhìn nhận theo lẽ thông thường việc Tòa bác yêu cầu của bị hại phải được xin lỗi tại nơi cư trú là chưa thỏa đáng.

Trong một lần phỏng vấn một vị lãnh đạo, nhân nói đến văn hóa xin lỗi, vị này cho rằng, trong công việc ai cũng phải có lần mắc lỗi, tùy mức độ nặng hay nhẹ. Nếu mình mắc lỗi với người đó trước mặt người thứ 3 thì khi xin lỗi cũng phải có mặt người đó và nhiều người hơn thế. Tôi mắc lỗi với 1 người trước tập thể thì tôi phải xin lỗi người đó trước tập thể. Không thể làm xấu mặt người ta trước đám đông rồi úi xùi lôi người ta ra một góc rồi bảo “xin lỗi” là xong.

Vị này cũng chia sẻ: “Phải nói những lời xin lỗi ấy trước mặt nhiều người thật khó khăn. Nhưng qua một lần như vậy, mình lại cẩn trọng hơn trong mỗi lời nói, việc làm”.

Chuyện nhận lỗi và xin lỗi ở nước mình đúng là khó thật. Sau phán quyết của Tòa, liệu chị Loan có “tâm phục, khẩu phục” hay tiếp tục đi kiện? Chưa kể đến, những người vi phạm trong vụ án này lại là những người thực thi công lý, pháp luật?!

Trên thế giới, đã từng có những nguyên thủ quốc gia phải xin lỗi người dân vì những việc làm sai của người thuộc cấp. Còn nhớ, năm 2013, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor đã mang hoa tới đặt tại mộ phần người đàn ông 47 tuổi bị cảnh sát đánh tới chết. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng phải lên tiếng xin lỗi về vụ bê bối tình dục liên quan đến cựu phát ngôn viên của mình, ông Yoon Chang-jung…

Vậy ở trong câu chuyện này, Tòa án đã có phán quyết ai sai, ai đúng, mà một lời xin lỗi theo đúng yêu cầu của nguyên đơn lại khó đến vậy sao?/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nguyên đơn vụ “khám ngực tìm tài sản” kháng cáo
Nguyên đơn vụ “khám ngực tìm tài sản” kháng cáo

Theo nguyên đơn, bản án tòa bác yêu cầu khởi kiện của bà chỉ nhắc đến bị đơn là Công an huyện mà không thấy nêu trách nhiệm cá nhân.

Nguyên đơn vụ “khám ngực tìm tài sản” kháng cáo

Nguyên đơn vụ “khám ngực tìm tài sản” kháng cáo

Theo nguyên đơn, bản án tòa bác yêu cầu khởi kiện của bà chỉ nhắc đến bị đơn là Công an huyện mà không thấy nêu trách nhiệm cá nhân.

Khám ngực phụ nữ trái luật, công an phải bồi thường... 2,3 triệu đồng
Khám ngực phụ nữ trái luật, công an phải bồi thường... 2,3 triệu đồng

Tòa tuyên buộc bị đơn là Công an huyện Tuy An phải bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín cho bà Loan bằng hai tháng lương cơ bản (2,3 triệu đồng)

Khám ngực phụ nữ trái luật, công an phải bồi thường... 2,3 triệu đồng

Khám ngực phụ nữ trái luật, công an phải bồi thường... 2,3 triệu đồng

Tòa tuyên buộc bị đơn là Công an huyện Tuy An phải bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín cho bà Loan bằng hai tháng lương cơ bản (2,3 triệu đồng)

Thiếu nữ khởi kiện công an ra Tòa vì bị khám ngực sai luật
Thiếu nữ khởi kiện công an ra Tòa vì bị khám ngực sai luật

Kết thúc phiên toà, HĐXX cho rằng chị Loan bị bà Hương khám xét người sai quy định pháp luật tại Công an huyện Tuy An là có thật 

Thiếu nữ khởi kiện công an ra Tòa vì bị khám ngực sai luật

Thiếu nữ khởi kiện công an ra Tòa vì bị khám ngực sai luật

Kết thúc phiên toà, HĐXX cho rằng chị Loan bị bà Hương khám xét người sai quy định pháp luật tại Công an huyện Tuy An là có thật