Công khai giúp kỷ luật Đảng mạnh hơn
Việc công khai kết quả kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng ở cấp Trung ương như vừa qua thực sự là một luồng gió mới trong sinh hoạt chính trị của đất nước.
Năm 2010 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Năm nay cũng được dự báo là năm bận rộn của Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng. Bởi việc đảm bảo sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt, cán bộ dự nguồn cấp ủy, nhân sự cấp ủy và đảng viên là đại biểu dự Đại hội Đảng các cấp, là yếu tố then chốt bảo đảm thành công của Đại hội Đảng, bảo vệ kỷ luật Đảng và làm cho Đảng mạnh lên.
Một trong những nét mới của hoạt động kiểm tra Đảng thời gian qua là việc công khai các thông báo, kết luận về xử lý kỷ luật đối với các đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng ở cấp Trung ương. Mặc dù không phải ai cũng thích thú với việc công khai này, nhất là những tổ chức và đảng viên vi phạm kỷ luật, bị xử lý, tuy vậy dư luận xã hội lại rất đồng tình, hưởng ứng.
Cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang diễn ra, quần chúng nhân dân đòi hỏi các cơ quan, lãnh đạo cấp cao phải gương mẫu hành động trước, qua đó động viên đảng viên, quần chúng làm theo, thì việc công khai, minh bạch các hoạt động kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương như vừa qua, chính là một ví dụ tiêu biểu. Từ sự công khai của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, dư luận cũng mong muốn Ủy ban Kiểm tra cấp dưới cũng cần tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động của mình.
Nếu hoạt động kiểm tra, giám sát, bảo vệ kỷ luật Đảng ở các cấp được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, chí công, vô tư, được thông báo rộng rãi trong đảng viên và quần chúng ở cấp đó biết thì tác dụng của hoạt động kiểm tra, giám sát sẽ lớn hơn nhiều. Nó không chỉ góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội mà còn tranh thủ được trí tuệ, tâm huyết và sự vào cuộc của toàn xã hội, giúp cho hoạt động kiểm tra được chuẩn xác hơn.
Tuy vậy, hoạt động kiểm tra giám sát của Đảng đã bộc lộ một thực tế là: Khả năng phát hiện các vi phạm của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng ở các Ủy ban Kiểm tra cùng cấp còn ít và yếu; Công tác kiểm tra ở một số nơi vẫn còn thụ động, lệ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra; Việc kiểm tra, giám sát đối với các đối tượng cùng cấp còn ít, còn tình trạng nể nang, né tránh; Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm còn biểu hiện e ngại, chờ đợi, để vi phạm kéo dài, gây hậu quả rồi mới tiến hành kiểm tra; Việc xử lý vi phạm cũng kéo dài, không dứt khoát, chưa đồng bộ giữa kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính…
Thực tế cũng cho thấy, phần lớn các vụ việc vi phạm, các khuyết điểm lớn ở cơ sở đều do Ủy ban Kiểm tra Trung ương trực tiếp phanh phui, đặc biệt là những vụ việc mang tính tập thể, tức là tập thể Ban Cán sự Đảng đã “đồng thuận” vi phạm. Chính vì vậy, cần phải có sự phân tích, mổ xẻ xem nguyên nhân là do đâu, có phải do cơ chế đảm bảo sự độc lập của Ủy ban Kiểm tra chưa đủ mạnh hay sức chiến đấu của bản thân cơ quan này và các thành viên chưa cao?
Việc công khai kết quả kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng ở cấp Trung ương như vừa qua thực sự là một luồng gió mới trong sinh hoạt chính trị của đất nước. Nó cũng cho thấy không khí cởi mở, công khai, dân chủ trong công việc của Đảng sẽ chỉ làm cho Đảng mạnh hơn.
Qua đây, dư luận nhân dân lại mong mỏi, những vụ việc vi phạm, khi đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương hay Ủy ban Kiểm tra các cấp xem xét, kết luận, thì không chỉ được thông báo vắn tắt mà còn được công khai một cách cụ thể hơn, chi tiết hơn, đặc biệt là những vụ việc nghiêm trọng, điển hình. Việc thông báo cụ thể hơn, chi tiết hơn sẽ giúp nhân dân và cán bộ hiểu rõ, hiểu đúng thực chất vấn đề, tránh được những đồn đoán không cần thiết và nâng cao được tính răn đe đối với những tổ chức, cá nhân đang hoặc có ý định vi phạm kỷ luật Đảng./.