Công lý được thực thi
Với phán quyết đầu tiên của ECCC, không chỉ công lý được thực thi đối với các nạn nhân Campuchia, mà thực tế, sự giúp đỡ, hợp tác của nhân dân Việt Nam là điều không thể bị xuyên tạc
>> Trùm cai ngục Khmer Đỏ bị kết án 35 năm tù giam
Sáng 26/7, Toà án xét xử tội ác của Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) đã đưa ra phán quyết 35 năm tù giam đối với Kang Guek Eav (biệt danh Duch), kẻ điều hành trại “tử thần Tuol S’leng-S21”. Đã hơn 30 năm kể từ khi dân tộc Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng, công lý cuối cùng cũng đã được thực thi.
Kang Guek Eav, 67 tuổi, là nhân vật đầu tiên trong số 5 thủ lĩnh của Khmer Đỏ còn sống, đã bị phán quyết. Y là người giám sát việc tra tấn và hành quyết hơn 15.000 người tại nhà tù khét tiếng Tuol S’leng, hay còn gọi là S-21. Nhà tù này là trung tâm trong bộ máy an ninh của Khmer Đỏ và từ đây, đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều bị đưa ra hành quyết tại khu vực được gọi là “cánh đồng chết”. Dưới sự điều hành của y, khoảng 15.000 người, trong đó có hàng trăm nạn nhân người Việt, phải chết thảm.
Phiên toà xét xử Duch được thành lập năm 2006, đến đầu năm 2009 đã hoàn tất hồ sơ điều tra số 1 với những cáo buộc y phạm các tội danh chống lại loài người, tội ác chiến tranh, tra tấn và giết người có chủ đích. Đã có 9 nhân chứng ra trước toà án đặc biệt này để thay mặt các nạn nhân, làm chứng cho từng hành vi phạm tội của Kang Guek Eav. Duch sẽ có 30 ngày kể từ ngày 26/7 để thông báo có kháng cáo hay không. Nếu có, Duch sẽ có thêm 60 ngày để nộp đơn kháng cáo.
35 năm tù cho tội danh chống lại loài người, tội ác chiến tranh quả là chưa thích đáng. Điều quan trọng ở đây, theo như Lars Olsen, người phát ngôn của phiên tòa do Liên Hợp Quốc bảo trợ: “Đây sẽ là bước ngoặt cho người dân Campuchia, những người đã phải chờ đợi hơn 30 năm để thấy một ai đó của chế độ Khmer Đỏ bị đưa ra trước công lý”.
Sau Kang Guek Eav, 4 thủ lĩnh Khmer Đỏ còn lại là Ieng Sary, Ieng Thirith, Noun Chea và Khieu Samphan - từng giữ chức chủ tịch Đoàn Chủ tịch Nhà nước Campuchia dân chủ - sẽ lần lượt bị xét xử, trong Hồ sơ số 2, dự kiến vào đầu năm 2011. Các vụ xử này, theo các chuyên gia pháp luật phương Tây, sẽ quan trọng hơn và khó khăn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, điều mà người dân Campuchia chờ đợi không phải là một bản án trả thù, mà là sự xét xử nhằm vào hệ thống tư tưởng lẫn nhà nước đã từng tự nhận là Campuchia dân chủ. Cái nhà nước đó, chỉ tồn tại từ tháng 4/1975 đến tháng 1/1979, trong khoảng 3 năm 8 tháng 20 ngày, nhưng đã biến đất nước Campuchia tươi đẹp thành một trại tập trung khổng lồ. Tại đó, khoảng 1,7 triệu người, tức xấp xỉ 1/4 dân số Campuchia khi đó đã bị thiệt mạng vì lao động khổ sai, vì đói, vì bị giam cầm, bị tra tấn và bị hành quyết.
Với việc ECCC tuyên bản án đầu tiên đối với bị cáo Kang Guek Eav, những nạn nhân của chế độ diệt chủng, 1,7 triệu người thiệt mạng và thân nhân của họ cũng được an ủi phần nào. Còn những người dân Campuchia còn sống sót hôm nay không thể quên được ngày 7/1/1979 - ngày mà nhân dân Việt Nam, quân tình nguyện Việt Nam đã quên mình để giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Điều này đã được các nhà lãnh đạo Campuchia thường xuyên nhắc đến, đó là “không có ngày 7/1/1979 thì không có Campuchia ngày hôm nay”. Với phán quyết đầu tiên của ECCC, không chỉ công lý được thực thi đối với các nạn nhân Campuchia mà thực tế sự giúp đỡ, hợp tác của nhân dân Việt Nam là điều không thể bị xuyên tạc, lẽ phải được tôn trọng./.