Cúng thần Rừng trong… nhà văn hóa

Ranh giới giữa bảo tồn và làm biến dạng văn hóa quả là mong manh!

Là người xem, hẳn không ít người thích thú khi chứng kiến những màn các thầy Then, thầy Tào, thầy cúng, những già làng dân tộc thiểu số xúng xính trong bộ lễ phục truyền thống lạ mắt múa nhảy, hú gọi thần linh trên sân khấu. Nhưng nếu đặt mình vào vị trí đó, liệu người ta nghĩ gì khi mang những nghi thức linh thiêng nhất của một cộng đồng biểu diễn như một màn văn nghệ thuần túy?. Trước khi đi trình diễn lễ hội trong những cuộc thi, những ngày hội văn hóa như vậy, nhiều thầy cúng đã phải thắp hương xin thần linh xá tội.

Trong phong trào bảo tồn văn hóa truyền thống, nhiều lễ tục được phục dựng. Nhà nước đầu tư nhiều tiền của để làm sống lại niềm tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống, mà cụ thể là trang phục, là sản phẩm thủ công, là lễ hội, nghệ thuật…

Sau nhiều năm mải miết kiếm sống, quên mất dân tộc mình từng tôn thờ một vị thần Rừng quyền năng, cách đây 10 năm, cộng đồng dân tộc Châu Ro ở Bàu Chinh (Bà Rịa – Vũng Tàu) được chính quyền địa phương giúp đỡ phục dựng lễ cúng rừng. Chỉ có điều, rừng không còn, dân làng làm nghi thức cúng thần Rừng trong… nhà văn hóa!

Hát "Quan họ cổ" bằng micro, phát loa thùng cho "hoành tráng"

Ở vùng chè nổi tiếng Suối Giàng (Yên Bái), nhân một cuộc hội họp của ngành văn hóa – du lịch, người ta tổ chức một lễ cúng rừng cho quan khách xem. Giữa mùa hè chứ không phải mùa xuân như lệ thường, một cụ già người Mông được mời vào rừng chè làm lễ. Cũng cắt tiết gà, đốt giấy bản, cầu khấn thần linh, chỉ khác xung quanh không phải là dân bản, và át lời khấn khứa thành kính của cụ già, là lời cô hướng dẫn viên du lịch qua micro oang oang giải thích nghi lễ với khách lạ.

Từ là chủ thể văn hóa, giờ đây, ở nhiều cuộc hội hè được tổ chức một cách duy ý chí, người dân đang trở thành khách tham quan. Nhiều lễ hội đã mất đi tính chất thực sự của nó mà trở thành cuộc trình diễn, và chủ thể văn hóa trở thành diễn viên không chuyên. Bị tách khỏi môi trường sống của nó, không ít cuộc liên hoan văn hóa, ngày hội văn hóa dân tộc trở nên lạc lõng, chỉ còn là cuộc tranh đua giải thưởng bằng khen.

Ở hàng ghế khán giả nhìn lên, ngoài ban giám khảo kiên nhẫn chấm điểm, chẳng mấy khi có người xem thực sự. Chưa kể, văn hóa truyền thống thật sự có khi còn bị những sự nhiệt tình, thiếu hiểu biết làm méo mó, như khi người ta dựng lên những màn múa khèn Mông có cảnh chàng trai kiệu cô gái lên vai đầy trữ tình, trong khi truyền thống ở bản không hề có cảnh ấy bao giờ. Những chi tiết nhỏ bị làm sai lạc như vậy, qua một thời gian bỗng mặc định trở thành “truyền thống”, thành “bản sắc” dân tộc và mặc định được bảo tồn như một giá trị văn hoá đích thực.

Người ta có thể dựng lại một nghi lễ đã mất, nhưng không thể buộc người dân phải nhiệt tình tham gia nghi lễ đó, khi bản thân cuộc sống không còn cần. Như khi nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên không còn làm lễ cúng lúa mới, dù đó là nỗi hoài nhớ đến thảng thốt của một số người; như khi nhiều lớp dạy đánh cồng chiêng được mở, nhưng không mấy người mặn mà, vì biết đánh chiêng ở đâu khi buôn làng đã thành phố xá; như khi chính quyền mở hội Gầu tào, nhưng người Mông chỉ đến để bán hàng cho người đi chơi hội…

Phong tục, lễ nhạc, hội hè nảy sinh từ nhu cầu cuộc sống, sinh ra để phục vụ nhu cầu cuộc sống, và tiếp biến theo cách nào, sẽ do chủ nhân của chúng quyết định – đó mới là lẽ thuận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên