Việt Nam trong tuần:

Cứu thị trường và giải quyết nợ xấu

(VOV) -Quy định mới có hiệu lực, giá vàng lao dốc; Những lùm xùm quanh giải Bài hát yêu thích của năm thu hút sự chú ý của dư luận

Chính thức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Sáng 8/1, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.


Việc lấy ý kiến nhân dân lần này được triển khai trên phạm vi rộng, thành phần tham gia đa dạng, diễn ra trong 3 tháng.

Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy Nhà nước; hiệu quả của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.

Trước đó, theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, ngày 2/1/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.

Chính phủ ban hành nhiều giải pháp cứu thị trường, giải quyết nợ xấu

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. Trong đó, nêu rõ trong năm 2013 tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm.

Cùng với đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Trong đó, đặc biệt nhất mạnh đến các giải pháp giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Giãn, giảm, hoàn nhiều loại thuế; Gỡ khó thị trường bất động sản.

Quy định mới có hiệu lực, giá vàng lao dốc về sát giá thế giới

Từ ngày 10/1, gần 2.500 điểm kinh doanh vàng miếng trên cả nước thuộc 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ chính thức thay thế hàng chục ngàn cửa hàng vàng không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng hiện nay.

Cũng từ ngày 10/1, mua bán vàng được xem như mua bán ngoại tệ và sẽ rất rủi ro nếu mua bán ở những nơi không được cấp phép.


Quy định mới đã có tác động tích cực đến thị trường vàng

Đáng lưu ý là, trong mấy ngày qua giá vàng thế giới chỉ dao động quanh biên độ hẹp thì giá vàng trong nước đã giảm nhanh, làm cho mức chênh lệch giá vàng trong nước quy đổi so với giá vàng thế giới giảm từ mức 4,5 triệu VND/lượng xuống còn khoảng 3 triệu VND/lượng.

Diễn biến này, theo Ngân hàng Nhà nước là do một số nguyên nhân sau: Tâm lý găm giữ đầu cơ đã giảm khi thị trường vàng miếng được cấp phép đi vào hoạt động; Người dân đã yên tâm hơn khi bán vàng miếng trên thị trường được cấp phép; Trên mạng lưới mua bán được cấp phép, thông tin về giá mua bán được công bố công khai minh bạch và cập nhật nhanh hơn; Mạng lưới được cấp phép cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ.

NHNN cho biết sẵn sàng tham gia thị trường vàng với tư cách là người kiến tạo và mua, bán cuối cùng nhằm ổn định thị trường vàng theo đúng tinh thần Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Bài hát yêu thích và giá trị thật - ảo

Tối 6/1, ca khúc Chiếc khăn piêu đã trở thành Bài hát yêu thích của năm 2012 (Tuổi Trẻ ngày 7-1), mang về cho ca sĩ Tùng Dương và nhạc sĩ Doãn Nho giải thưởng trị giá 1,3 tỉ đồng.

Tùng Dương và nhạc sĩ Doãn Nho nhận giải Bài hát yêu thích của năm

Nhưng những tranh cãi xung quanh tin nhắn bình chọn cho ca khúc và khiếu nại của nhạc sĩ Lưu Thiên Hương và ca sĩ Uyên Linh về chuyện "dàn xếp tỉ số" vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận...

Tuy nhiên, thiết nghĩ giải thưởng 1,3 tỷ đồng được trao cho tác giả, ca sỹ thể hiện bài hát đi chăng nữa thì cũng chỉ là giải thưởng của một chương trình, được tổ chức trong vòng một năm. Còn bài hát nào thực sự được công chúng yêu thích và có sức sống lâu bền thì sẽ được minh chứng qua thời gian, qua năm tháng mà không cần bất kỳ sự bình chọn nào, cuộc thi nào. Chính vì thế, có lẽ, Uyên Linh, Lưu Thiên Hương và Ban Tổ chức BHYT nên hiểu đâu là giá trị thật của "bài hát yêu thích" để khép lại vụ lùm xùm không đáng có này thì hơn.


Việt kiều thắng 55,5 triệu USD

55,5 triệu USD (tương đương hơn 1.154 tỉ đồng) là số tiền mà TAND Q.1 TP HCM đã tuyên ngày 7/1/2013 buộc Công ty liên doanh Đại Dương (công ty chủ quản của khách sạn Sheraton Sài Gòn) phải trả cho ông Ly Sam (60 tuổi, Việt kiều Mỹ).

Số tiền này được máy trò chơi điện tử số 13 (đặt tại câu lạc bộ Palazzo thuộc khách sạn Sheraton) đã thể hiện ông Ly Sam trúng thưởng.


Tuy nhiên, đây mới chỉ là bản án sơ thẩm, mọi điều đều có thể “lật ngược thế cờ” trong quá trình xét xử phúc thẩm.

Sau phiên sơ thẩm, Công ty Đại Dương tuyên bố sẽ kháng án tới cùng.

Chức HLV trưởng ĐT Việt Nam: Sao ai cũng chối?

Sau HLV Hoàng Anh Tuấn và Lê Huỳnh Đức, đến lượt hai HLV Nguyễn Hữu Thắng và Hoàng Văn Phúc cũng thẳng thừng từ chối lên tuyển.



HLV Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hữu Thắng đã từ chối lên dẫn dắt ĐTVN. (ảnh: Thanh niên)

Lẽ thường, lên nắm ĐTQG là một vinh dự với bất cứ HLV nào. Vậy tại sao trong trường hợp này, hàng loạt HLV nội lại thẳng thừng từ chối vinh dự ấy?

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ hai chữ “tạm quyền”. Các HLV thừa hiểu nếu có nhận lời nắm tuyển, thì cơ hội dẫn dắt sẽ chỉ gói gọn trong vài trận vòng loại Asian Cup. Mà giải đấu này đã được đánh giá là quá tầm so với đội tuyển Việt Nam. Mục tiêu chỉ là cọ xát và nâng cao trình độ cầu thủ, chứ không phải là tiến sâu vào giải.

Giữa một công việc lâu dài, ổn định (cầm quân tại CLB) và một công việc tạm thời, “tạm quyền” (nắm tuyển trong vài trận), lựa chọn công việc nào đã quá rõ ràng.

Chưa kể đến việc, chẳng may đội tuyển thi đấu thất bại lại phải gánh chịu dư luận. Đến khi ấy, việc muốn quay trở lại CLB cũng trở nên hết sức khó khăn nên các HLV “chột dạ” là phải./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên