Dân “yêu” chợ hơn Trung tâm thương mại?
VOV.VN -Chợ tồn tại không chỉ để phục vụ nhu cầu mua bán, giao thương, mà còn thể hiện lối sống, nét văn hóa của một địa phương.
Cách đây ít ngày, các tiểu thương chợ Tân Bình, TPHCM đã đóng cửa sạp để phản đối đề án cải tạo và xây mới chợ Tân Bình. Phản ứng này của tiểu thương xuất phát từ thực tế đang diễn ra ở một số địa phương trong cả nước cho thấy các chợ được xây mới có lượng khách ít hơn, hiệu quả kinh doanh thấp hơn trong khi giá thuê mặt bằng kinh doanh cao hơn. Trong khi đó, thành phố Hà Nội đã cho dừng 3 đề án dự định cải tạo chợ thành Trung tâm thương mại. Câu chuyện này cho thấy, việc lựa chọn mô hình phát triển cho thấy các chợ ở nước ta hoàn toàn không dễ dàng.
Cách đây 7 năm, các đô thị lớn của nước ta, mà đi đầu là thành phố Hà Nội, đã thực hiện việc cải tạo hệ thống chợ theo mô hình hiện đại, kết hợp giữa trung tâm thương mại (TTTM) và chợ truyền thống. Đến nay, Hà Nội đã có 5 chợ kết hợp với TTTM đưa vào sử dụng, 2 chợ xây dựng thành TTTM khác chuẩn bị được đưa vào hoạt động. Thế nhưng, sau khi nhận thấy việc chuyển đổi chợ thành TTTM hiệu quả không cao, Sở Công thương Hà Nội đã đánh giá lại và báo cáo UBND thành phố, đồng thời, kiến nghị lãnh đạo thành phố, với các công trình chưa khởi công thì tiến hành rà soát lại quy mô, năng lực tài chính của các chủ đầu tư và thành phố Hà Nội đã cho dừng 3 chợ dự định thực hiện theo mô hình này.
Những con số này cho thấy, rõ ràng chính quyền địa phương và cả ngành thương mại thời điểm những năm 2006 – 2007 đã hơi vội vàng khi lựa chọn cách ứng xử với chợ truyền thống. Khi ấy rất nhiều người tin rằng chỉ cần thay đổi hình thái kinh doanh là sẽ có ngay mô hình thương mại hiện đại. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Tập quán kinh doanh gần gũi và thói quen mua bán tại chợ là điều đã ăn sâu vào từng người dân đô thị, cả người bán và người mua. Thay đổi thói quen thâm căn cố đế là việc không hề dễ, nhất là khi nó liên quan đến đời sống của nhiều người. Thực tế, TTTM vắng khách, trong khi chợ cóc, chợ tạm tái xuất hiện ở nhiều nơi đã là một ví dụ rất rõ ràng. Và việc lãnh đạo thành phố Hà Nội cho phép dừng 3 chợ có dự định xây dựng thành trung tâm thương mại thể hiện phản ứng kịp thời của chính quyền đô thị.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là, nếu như không cải tạo chợ theo hướng xây dựng TTTM, thì cần phát triển chợ theo hướng nào? Vì rõ ràng không thể tiếp tục để tình trạng chợ cóc, chợ tạm tồn tại ở các đô thị, vừa gây mất mỹ quan, vừa khó quản lý nguồn gốc, chất lượng hàng hóa cũng như vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thế nhưng, nếu cải tạo một cách áp đặt thì sẽ lại đi theo vết xe đổ của lần cải tạo trước.
Theo ý kiến của các chuyên gia thương mại, cần nhìn nhận chợ ở cả hai khía cạnh: kinh tế và văn hóa. Tức là chợ tồn tại không chỉ để phục vụ nhu cầu mua bán, giao thương, mà còn thể hiện lối sống, nét văn hóa của một địa phương. Bởi vậy, đối với nhiều người, chợ là điểm tham quan không thể thiếu mỗi khi đi du lịch, dù trong nước hay nước ngoài. Ở khía cạnh kinh tế, chợ cũng thể hiện nhiều ưu điểm như hàng hóa tươi ngon hơn, giá cả hấp dẫn hơn, mua bán thuận tiện hơn và giao tiếp gần gũi hơn. Do đó, không thể thay đổi hoặc xóa bỏ chợ trong một sớm một chiều, mà đây là câu chuyện của 10 năm, 20 năm thậm chí là nhiều năm sau nữa, vì hiện nay ở các quốc gia đang phát triển vẫn có chợ truyền thống.
Hơn nữa, muốn có mạng lưới thương mại hiện đại thì điều quan trọng không phải là xóa bỏ chợ mà đưa hoạt động kinh doanh trong chợ trở nên bài bản, quy củ, văn minh và hiện đại hơn. Muốn làm được điều đó thì ngay từ bây giờ điều quan trọng là quy hoạch các chợ một cách ngăn nắp và bài bản hơn, đảm bảo các điều kiện cơ bản cho tiểu thương kinh doanh trong chợ.
Quan trọng hơn nữa là cần tạo được mối liên kết giữa tiểu thương với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, để vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa trong chợ, vừa được đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Cần gắn quy hoạch phát triển chợ với quy hoạch phát triển địa phương, nhất là gắn với các khu đô thị mới, trính tình trạng nơi thừa, nơi thiếu chợ. Cũng cần nghiên cứu những cách làm mới theo xu hướng từng bước hiện đại hóa các chợ truyền thống. Ví dụ như việc một số thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam xây dựng siêu thị bên trong khuôn viên chợ và thành công với mô hình này cần được nghiên cứu kỹ để có thể nhân rộng.
Dân gian vẫn tâm đắc với tiêu chí chọn nơi sinh sống “nhất cận thị, nhị cận giang” (tốt nhất là sống gần chợ, tốt thứ nhì là sống gần sông), cho thấy chợ gắn bó mật thiết với đời sống của đại bộ phận người Việt. Do vậy, nếu ứng xử không khéo với chợ thì sẽ mất nhiều hơn được, kể cả về kinh tế và văn hóa./.