Đảng Cộng sản Việt Nam tập hợp đội ngũ trí thức

Trong suốt công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, đội ngũ trí thức Việt Nam đã chia sẻ với những khó khăn của đất nước, cống hiến trí tuệ của mình cho sự nghiệp chung  

Tập hợp sức mạnh trí tuệ toàn dân, trong đó có đội ngũ trí thức - là một chủ trương quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập đến nay. Trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đặc biệt là công cuộc đổi mới ngày nay, Đảng ta luôn coi trọng và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, góp phần làm nên những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cũng như nhiều trí thức khác, Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành, một giảng viên Đại học tại TP Hồ Chí Minh vẫn không quên một thời gian khó. Đội ngũ trí thức Việt Nam đã chia sẻ với những khó khăn của đất nước, để cống hiến trí tuệ của mình cho sự nghiệp chung. Những thành tựu do công cuộc đổi mới đem lại không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho toàn dân, mà đời sống vật chất của đội ngũ trí thức đã được cải thiện căn bản, củng cố vững chắc niềm tin của đội ngũ trí thức đối với đường lối của Đảng. Từ đó, trí thức có điều kiện dành nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học, yên tâm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Giáo sư Nguyễn Thị Cành chia sẻ: “Đảng đã tập hợp và phát huy đội ngũ trí thức. Đường lối, chủ trương của Đảng rất đúng và phù hợp với tâm tư nguyện vọng của họ...”.

Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam, ngay trong ngày đầu tiên của phiên họp Hội đồng Chính phủ (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Người chỉ rõ “một dân tộc dốt là một dân tộc hèn” nên đã coi việc “đánh giặc dốt” trước “đánh giặc ngoại xâm” và đặc biệt coi trọng tri thức.

Phó Giáo sư sử học Lê Mẫu Hãn cho biết: Những ngày đầu cách mạng, Bác Hồ (với thiên tài và sức lôi cuốn mạnh mẽ của mình) đã mời về nước nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Họ đều là những người yêu nước, có kiến thức uyên thâm và được Đảng, Bác Hồ giác ngộ lý tưởng cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, trí thức Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước. Những trí thức cách mạng như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai... Những trí thức trong chế độ phong kiến như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe; và nhiều trí thức yêu nước khác như: Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Lương Đình Của, Hoàng Xuân Hãn... Nhiều nhân sĩ trí thức đã tự nguyện rời bỏ cuộc sống đô thị phồn hoa, có công ăn việc làm ổn định và thu nhập cao để theo Đảng và Bác Hồ, chấp nhận hy sinh gian khổ, làm cách mạng.

PGS Sử học Lê Mậu Hãn nói: “Đất nước muốn phát triển, thì sự đóng góp của đội ngũ trí thức là rất quan trọng. Không có trí thức, không thể có phát triển. Điều này Đảng ta đã sớm nhận ra và biến thành chủ trương, đường lối nên đã tập hợp được trí thức ngay trước cách mạng...”.

Trong những năm chiến tranh giành độc lập dân tộc, dù thiếu thốn, gian khổ mọi bề, Đảng và Nhà nước đã mở hai trường đại học ở vùng tự do; lập khu học xá ở Nam Ninh (Trung Quốc) và gửi lưu học sinh đi đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa, tạo cán bộ nguồn cho Đảng sau khi cách mạng thành công. Đó là minh chứng rõ nét về tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ, thể hiện chủ trương đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ trí thức.

Trong công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, quan điểm, chủ trương của Đảng về trí thức có những bước tiến mới. Lần đầu tiên, Đảng ta có một nghị quyết riêng về trí thức. Đó là Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương khóa X (năm 2008) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong Nghị quyết, ngoài việc phát huy đội ngũ trí thức trong nước, Đảng ta còn “coi trọng việc đoàn kết tập hợp trí thức, xác định trí thức Việt kiều là nguồn trí thức tiềm năng của đội ngũ trí thức dân tộc, lấy mục tiêu chung của dân tộc làm điểm tương đồng, xoá bỏ định kiến về quá khứ, thành phần xuất thân, đánh giá cao tiềm năng, tiềm lực của trí thức Việt kiều”. 

Thạc sĩ Đỗ Nguyễn Trần Tình, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết là một bước đi tiếp theo thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống “cầu người hiền tài” của cha ông. Thạc sĩ Đỗ Nguyễn Trần Tình bày tỏ mong muốn: “Tôi cho rằng, sự quan tâm đến trí thức đã thành đường lối của Đảng thì đường lối đó nhận được sự ủng hộ rất lớn của hàng triệu trí thức. Tôi mong muốn triển khai đường lối đó mạnh mẽ, triệt để và quyết liệt hơn nữa trong thực tế...”

Trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ngày nay, lực lượng trí thức đang làm việc trong tất cả các lĩnh vực; và khi nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới để tiến tới xây dựng nền kinh tế tri thức, thì vấn đề “xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh” đã trở thành chủ trương, nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Đó cũng chính là đường lối được Đảng ta kế thừa và phát huy ngay từ những ngày đầu thành lập, cách đây 80 năm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên