Đảng thực thi dân chủ, thực thi quyền lãnh đạo
Từ xưa đến nay, các nhà tư tưởng, chính trị gia đều cho rằng, “Quyền” do nhân dân giao cho và “trọng trách” phải vì dân mà phục vụ.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 16/1 vừa qua đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Bởi ai cũng hiểu, một Đảng cầm quyền, nếu không chú trọng củng cố và nâng cao sức chiến đấu, xa rời dân, mất dân chủ thì Đảng sẽ tự đánh mất quyền lãnh đạo mà nhân dân đã đặt niềm tin.
Từ xưa đến nay, các nhà tư tưởng, chính trị gia đều cho rằng: Người có quyền, phải biết đó là vinh dự gắn liền với trọng trách. “Quyền” do nhân dân giao cho và “trọng trách” phải vì dân mà phục vụ.
Một tổ chức Đảng không biết trọng dân, đánh mất niềm tin trong dân thì sớm muộn gì cũng đánh mất quyền, càng không thể giữ được quyền lãnh đạo, vì “đẩy thuyền, lật thuyền cũng là dân”.
Bác Hồ nói chuyện với nhân dân (Ảnh tư liệu) |
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân có quyền đuổi Chính phủ khi Chính phủ không còn đủ uy tín”.
Hiểu đơn giản là: Dân giao cho Đảng quyền lãnh đạo cách mạng, lập nên Nhà nước, lập nên Chính phủ thì dân cũng sẵn sàng truất phế nếu Chính phủ ấy không vì quyền lợi của nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngay khi thành lập và được nhân dân tin tưởng, hơn 8 thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tận tâm tận lực để lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Nhà nước cách mạng của dân, do dân và vì dân.
Biết dựa vào dân, gắn bó chặt chẽ với dân, nhân lên sức mạnh lớn lao của nhân dân nên Đảng ta ngày càng vững mạnh.
Lịch sử đã chứng minh: Đảng cầm quyền vững mạnh, trước hết phải vững từ nội lực của mình, từ niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI lần này thể hiện rõ tính cấp bách của công tác xây dựng Đảng, chấn chỉnh tình trạng một số cán bộ đảng viên, tổ chức Đảng có biểu hiện xa dân, lơ là việc thực thi dân chủ, không chú trọng tu dưỡng phẩm chất đạo đức đảng viên, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.
Soi vào mình để tự chấn chỉnh, Đảng sẽ có cơ hội làm trong sạch đội ngũ. Do đó, mỗi cán bộ đảng viên, tổ chức đảng phải thường xuyên đổi mới tư duy, đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước một cách khoa học, hiện đại, vì lợi ích của dân, của nước và phù hợp với xu thế thời đại.
Đây là yêu cầu cấp thiết để Đảng không rơi vào tình trạng quan liêu, giáo điều, xa dân.
Khi Đảng cầm quyền thực sự trong sạch, vững mạnh, toàn tâm toàn ý vì dân, lo cho dân, cho nước thì Đảng được dân tin tưởng. Đó mới chính là thực chất ý nghĩa vinh quang của Đảng. Ngược lại, nếu Đảng cầm quyền xem nhẹ việc thực thi dân chủ, không gắn bó với dân, không xây dựng được Đảng ngang tầm thời đại, xứng đáng với niềm tin mà nhân dân đã trao thì Đảng tự đánh mất quyền lãnh đạo, đánh mất vai trò lịch sử của mình. Bởi giành được quyền đã khó, để mất quyền rồi lấy lại, càng khó gấp vạn lần.
Thực tiễn đã chứng minh rằng: Chỉ có nhân dân chứ không ai khác, là người thẩm định chính xác nhất, và cũng chỉ có nhân dân mới là người lựa chọn sáng suốt nhất đảng chính trị, nhà chính trị cầm quyền thay mặt mình lãnh đạo đất nước.
Ai thu phục được lòng dân, được dân ủng hộ thì người đó sẽ thành công. Ai làm mất lòng dân thì dù tài giỏi, quyền hành đến mấy tất sẽ thất bại.
Mối quan hệ Đảng lãnh đạo- Nhân dân làm chủ- Nhà nước quản lý là mối quan hệ tương hỗ, tác động lẫn nhau, tạo nên nguồn lực tổng hợp để Đảng hoàn thành sứ mệnh cầm quyền, lãnh đạo thành công sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.