Đập hoa, chặt quất chiều 30 Tết: Vì đâu nên nỗi?
VOV.VN -Việc chặt bỏ cây cảnh, hay thậm chí là phá nát hàng hoá để không bán cũng chẳng cho ai thể hiện một tư duy kinh doanh ích kỷ.
Chiều 30 Tết, nhiều người bán đào, quất, mai cảnh… đập bỏ hàng trăm cây cảnh khiến những người chứng kiến không khỏi xót xa. Công sức, tiền của bỏ ra trong nhiều ngày giờ bị phá nát khiến nhiều người phải suy ngẫm. Nhưng vì đâu nên nỗi?
Nhà vườn chặt bỏ mai cảnh vì không muốn bán hạ giá (ảnh Internet) |
Ai cũng có thể thấy là tình trạng “mua tranh, bán cướp” vẫn còn khá phổ biến ở tất cả các loại hàng hoá trên thị trường nước ta. Khi nhu cầu thị trường tăng cao thì nhiều chủ hàng tranh thủ “hét” giá lên tận mây xanh, không giữ đúng cam kết với người tiêu dùng, hám lợi trước mắt.
Trong trường hợp chặt bỏ đào mai dịp tết, nhiều chủ chia sẻ sự bức xúc vì có nhiều người chơi mai dù đã rất thích song vẫn đợi đến chiều, tối 30 Tết cho mai “đại hạ giá” rồi mới mua nên thà chặt bỏ chứ không bán rẻ hoặc đem cho.
Không phải ở Việt Nam mới có chuyện người tiêu dùng “canh” khi nào có hàng giá rẻ mới ồ ạt đến mua. Trên thế giới, ở các nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu có hẳn những ngày, những tháng xả hàng giá rẻ (như Black Friday, dịp giáng sinh, tết…). Trong số những người chầu trực hàng tháng trời để mua được hàng giá rẻ có không ít những người giàu, những người có thu nhập cao.
Chính vì đắt đỏ nên ở Việt Nam, nhiều khi chỉ có đại gia hoặc những người có kinh tế khá giả mới dám mua đào, mai, hoa, cây cảnh để chơi trước tết hàng tuần, hàng tháng. Còn những người có thu nhập ở mức trung bình, họ chỉ dám nghĩ đến những món ăn tinh thần này khi đã tạm yên tâm vì lo được cái Tết cho gia đình.
Chừng nào vẫn còn tư duy buôn bán theo kiểu “chăn”, “bóp” được ai thì làm “tới bến”, không bán hàng đúng với giá trị thật của nó thì người mua còn phải cân nhắc trước khi móc hầu bao mua bất kỳ sản phẩm nào.
Ở bất kỳ lĩnh vực gì cũng phải có các nguyên tắc, nguyên lý, triết lý riêng. Triết lý kinh doanh đòi hỏi những người làm nghề phải tôn trọng thị trường, tôn trọng người tiêu dùng thì mới có thể phát triển được. Việc chặt bỏ cây cảnh, hay thậm chí là phá nát hàng hoá để không bán cũng chẳng cho ai thể hiện một tư duy kinh doanh ích kỷ chỉ biết mình. Họ, một vài người kinh doanh cây cảnh không thể năm nào cũng “tỏ thái độ”, thách thức hàng vạn người tiêu dùng được. Bởi, đào, mai, quất không phải là những mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong các gia đình ngày xuân. Người dân có rất nhiều lựa chọn cho không gian xuân của gia đình mình thêm phần rực rỡ và ấm cúng.
Để năm sau không còn cảnh chặt bỏ, đập phá đào, mai, cây cảnh, những người kinh doanh trước hết phải có chiến lược cụ thể, quan trọng nhất là phải bán đúng giá sản phẩm, phục vụ nhiều phân khúc thị trường với nhiều đối tượng khách hàng phong phú. Khi giá cả hợp lý thì không chỉ nhà vườn kinh doanh có lãi mà nhiều người dân có cơ hội thưởng lãm vẻ đẹp của cây cảnh nhiều ngày trước Tết nguyên đán./.
Thủ tướng và quyết tâm xây dựng Chính phủ kỷ cương, liêm chính