Đất lúa và cơn mê lợi ích

Đất lúa đã, đang và sẽ tiếp tục biến mất khi mục tiêu giữ đất lúa không trở thành mục đích chính trị, gắn liền với sinh mệnh chính trị của lãnh đạo các địa phương.

Mục tiêu giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa đến năm 2020, dù được Chính phủ khẳng định trước Quốc hội, song, trên thực tế, điều này không hề đơn giản khi mà xu hướng lấy đất lúa để phục vụ những lợi ích khác dường như không có điểm dừng.

Bảo vệ đất lúa cần sự quyết liệt và cả cam kết chính trị

Trong vòng 10 năm qua, đã có không ít chuyên gia trong nước, cũng như quốc tế lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ bất ổn do tình trạng đất lúa bị chuyển đổi. Trong vòng 10 năm qua, quyết tâm giữ đất lúa cũng không ít lần được khẳng định với quyết tâm cao. Song, cũng trong 10 năm qua, theo báo cáo của Bộ TN&MT, đã có 270.000 ha đất lúa nước khu vực đồng bằng đa số thuộc dạng “bờ xôi ruộng mật” đã chuyển sang phát triển đô thị, khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp khác, trong đó có xã mất đến 80% đất canh tác. Ở một số địa phương, tốc độ suy giảm đất lúa diễn ra một cách kinh hoàng như Hải Dương: 1.400 ha/năm; Vĩnh Phúc: 1.200 ha/năm; Hưng Yên: 1.000 ha/năm; TP HCM: 2.700 ha/năm…

Không có gì bất ngờ trong sự mâu thuẫn giữa quyết tâm giữ gìn và sự “tích cực” chuyển đổi đất lúa kể trên. Bởi, đây là câu chuyện lợi ích, những lợi ích ngắn hạn, phù hợp với mục tiêu hướng tới những thành tích tăng trưởng kinh tế của các địa phương, trong khoảng thời gian tính bằng… nhiệm kỳ. Nhìn vào danh sách các địa phương có tốc độ mất đất lúa nhanh nhất, không khó nhận ra đó đều là những địa phương nhanh chóng khẳng định tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng việc trở thành các trung tâm công nghiệp. Việc thu hút đầu tư bằng mọi giá là một “lý tưởng” đã vô tình khiến đất lúa trở thành vật hy sinh để chiều chuộng các nhà đầu tư.

Lợi ích ngắn hạn của các địa phương, thậm chí là lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đang khiến cho những lời cảnh báo về nguy cơ mất an ninh lương thực, những nguy cơ từ tác động môi trường, cũng như những hậu quả khôn lường về xã hội khi nông dân mất đất đều trở nên nhỏ bé.

Các khu công nghiệp nối nhau mọc lên trên những cánh đồng để rồi chỉ lèo tèo dăm ba ngôi nhà xưởng, các dự án đô thị cũng mọc lên với bạt ngàn biệt thự bỏ hoang đang góp phần làm hoang lạnh nền kinh tế… Nhưng, tất cả những điều đó dường như không tác động tới các quyết định giao đất đầy khát khao của một số lãnh đạo địa phương.

Việc chạy theo lợi ích là một xu hướng tất yếu. Và đất lúa mất đi cũng là điều dễ hiểu khi giá trị của mỗi ha được chuyển đổi có sự chênh lệch quá rõ ràng. Bởi vậy, giữ đất lúa là một bài toán không thể giải được nếu chỉ dựa vào những phân tích, cảnh báo. Đất lúa đã, đang và sẽ tiếp tục biến mất khi mục tiêu giữ đất lúa không trở thành mục đích chính trị, gắn liền với sinh mệnh chính trị của lãnh đạo các địa phương.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đã từng phải thốt lên: “Chính quyền địa phương có để mất đất lúa hay lấy đất lúa làm việc khác thì cũng không bị làm sao cả, chưa có ai bị xử lý”.

Sự quyết tâm, những cam kết không bao giờ là đủ để vượt qua lợi ích! Vì vậy, đã đến lúc cần phải có những quy định cụ thể, nếu địa phương làm mất 1ha, 2ha, 3ha… đất lúa trong quy hoạch thì sẽ bị xử lý bằng chế tài tương ứng. Sự tồn tại của mỗi ha đất lúa là một phần quan trọng nhằm đảm bảo an ninh lương thực của cả một quốc gia. Không những thế, đó còn là số phận của những người nông dân đã, đang và sẽ sống với cây lúa. Vì vậy, mỗi ha đất lúa bị chuyển đổi đều cần phải giải trình, thậm chí phải khai hoang để bù đắp. Chỉ có như vậy, những cánh đồng mới không tiếp tục bị mất đi trong những cơn mê lợi ích./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên