Đất nước đang cần những Bộ trưởng hành động

Suy cho cùng, đây không chỉ là niềm tin và kỳ vọng, đây còn là đòi hỏi của đất nước và nhân dân với các Bộ trưởng, để cùng Chính phủ hóa giải khó khăn, đưa đất nước đi lên

Tuần qua, dư luận cả trong nước và nước ngoài đặc biệt chú ý đến các phát ngôn và hành động ấn tượng của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Chỉ một ngày đi thị sát công trình mở rộng sân bay Đà Nẵng, vốn đang rất ì ạch và bị chậm tiến độ đến 2 năm, ông Đinh La Thăng đã quyết định thay ngay Tổng chỉ huy công trình. Hành động này là hiếm thấy, cộng với những quan điểm của ông về việc chấn chỉnh lại tình hình giao thông hiện nay đang tạo ra nhiều luồng dư luận.

Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra công trình mở rộng sân bay Đà Nẵng

Còn nhớ, ngay sau khi Quốc hội khóa XIII phê chuẩn thành phần Chính phủ mới, Đài TNVN đã bình luận với niềm tin và kỳ vọng rằng đội ngũ lãnh đạo mới sẽ tạo được những dấu ấn tích cực có thể nhìn thấy được từ những lĩnh vực mà mỗi người được giao phụ trách.

Suy cho cùng, không chỉ là niềm tin và kỳ vọng, đây còn là đòi hỏi của đất nước và nhân dân, là yêu cầu bức bách của thực tiễn với các Bộ trưởng - các “Tư lệnh” ngành, cần phải hành động thực sự để cùng Chính phủ hóa giải khó khăn, thách thức, đưa đất nước đi lên.

Quan sát hoạt động của bộ máy Chính phủ những tháng gần đây, công chúng biết rằng, từng thành viên Chính phủ, tùy theo đặc điểm tình hình của bộ, ngành mình, đều đang hành động, theo những cách khác nhau.

Trong bối cảnh ấy, đã thấy xuất hiện những tín hiệu về một cung cách điều hành mới. Đó là: quyết liệt, công khai, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đó là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình với thái độ và những biện pháp quyết liệt trong chính sách tiền tệ và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

Đó là Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ với quyết tâm lập lại trật tự trong khâu điều hành giá xăng dầu.

Và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng với những hành động mà chúng ta đã chứng kiến tuần qua.

Họ tạo ra ấn tượng mạnh bởi một thái độ quyết liệt và công khai trước những vấn đề vốn đang rất nóng và gây bức xúc trong dư luận; Bởi những quyết định dứt khoát, đồng thời công khai tuyên bố chịu trách nhiệm cá nhân đến cùng với quyết định đưa ra. Họ sẵn sàng tiếp xúc, đối thoại cởi mở với báo chí, chia sẻ những vấn đề mà họ đang tập trung giải quyết, ý kiến cá nhân về những chủ đề “hóc búa”, và cả dự định hành động của họ.

Bởi vậy, hiệu ứng mà họ tạo ra với dư luận và với công việc là tích cực.

Hãy lấy công trình mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng làm ví dụ, chỉ một ngày sau quyết định của ông Đinh La Thăng, không khí làm việc trên công trường đã thay đổi hẳn. Những cán bộ có trách nhiệm ở đấy đã cam kết là sẽ theo dõi và đôn đốc tiến độ công trình “đến từng centimet”!

Quan điểm ở đâu công việc không tốt, ì ạch... người đứng đầu phải chịu trách nhiệm bằng chính cái “ghế” của mình; không được và không nên đổ lỗi cho cơ chế, hay tự biến mình thành “con tin” của cơ chế, là quan điểm đúng đắn cần ủng hộ.

Lời nói và hành động của các vị Bộ trưởng vừa nêu rõ ràng tạo nên một luồng gió mới, có thể coi như chất xúc tác hứa hẹn tạo ra xu hướng vận động tích cực, ít nhất là trong hệ thống mà họ lãnh đạo.

Cũng không nên vội quy kết đây là những hành vi tự đánh bóng tên tuổi mình. Bởi vì, hơn ai hết, khi đã chọn thái độ quyết liệt một cách công khai đối với công việc, họ thừa mẫn cảm để hình dung rõ áp lực từ nhiều phía và sự giám sát khắt khe với quyết định và lời hứa của mình.

Đất nước đang cần lắm những "bộ trưởng hành động", dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Không chỉ trong lĩnh vực giao thông-vận tải, tài chính, ngân hàng, mà các ngành, các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, khoa học… cũng đang đối diện với nhiều vấn đề rất nóng, cần phải hành động quyết liệt.

Tất nhiên, việc ra các quyết định quản lý nhanh gọn, dứt khoát phải dựa trên sự đánh giá đúng đắn tình hình thực tiễn và một tư duy quản lý khoa học. Để một công trình đi đúng tiến độ, quyết định có thể ra ngay trong một ngày, nhưng để lập lại trật tự giao thông, loại bỏ những cái chết vô nghĩa từ giao thông, thì cá nhân một bộ trưởng hay một ngành không thể làm được trong một thời gian ngắn.

Bởi thế, chúng ta phải làm cho những hành động có tính bứt phá nhưng cá biệt trong quản lý điều hành trở thành một phong cách quản lý mới, phổ biến của cả bộ máy nhà nước, từ trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo đầu ngành đến cán bộ bình thường. Chỉ có như thế, tiến bộ đạt được mới bền vững và cơ bản.

Nhiệm kỳ của mỗi bộ trưởng còn rất dài với rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Điều mà xã hội cần là báo chí hãy thông tin, cổ vũ những việc làm tích cực, vì lợi ích chung của đất nước, đồng thời phê phán, góp ý với thái độ xây dựng với những điều chưa được, tránh sa đà vào những vấn đề mang tính cá nhân hoặc thuộc về cá tính của mỗi người.

Và xã hội cũng mong muốn, các bộ trưởng sẽ luôn luôn giữ được “lửa” như thời gian đầu nhậm chức./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên