Đất và Nước
Công dân của bất cứ quốc gia nào đều gọi tên nơi mình sinh ra và lớn lên là “đất nước”. “Đất” và “Nước”, là hai nguồn tài nguyên quý báu quyết định sự sống còn của một dân tộc, của cả loài người.
Người xưa qua thăng trầm lịch sử và biến đổi của thiên nhiên cũng đã đúc kết nên tri thức là thuyết tam tài: Thiên - Địa - Nhân (Trời - Đất - Người). Con người muốn tồn tại không thể tách rời Trời và Đất. Xem thế đủ biết Đất và Nước gắn chặt với mạng sống của con người biết bao. Nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay.
Muốn giữ Đất phải “diệt giặc ngoại xâm” như Bác Hồ từng huấn thị những ngày đầu cách mạng. Nhưng không kém phần quan trọng là việc giữ gìn, bảo vệ, làm cho tài nguyên đất ngày càng giàu có, màu mỡ. Một nền công nghiệp chỉ biết có bao nhiêu tài nguyên trong lòng đất khai thác bằng hết một cách vô tội vạ và đất nông nghiệp trồng cây lương thực, thực phẩm nuôi sống người và muôn loài ngày càng bị thu hẹp, bạc màu và cạn kiệt thì các thế hệ tương lai sẽ sống bằng gì? Và có còn Đất để chúng ta yêu dấu gọi tên một cách thiêng liêng là Đất nước nữa không?
Đất nước ta có biển Đông trước mặt, có dãy Trường Sơn sau lưng và biết bao nhiêu sông suối làm nên nguồn tài nguyên nước vô cùng phong phú. Vậy mà đã có lúc chúng ta thiếu cả nguồn nước uống, chết khát vì hạn hán khô cằn. Rồi cũng có lúc nước trở thành giặc “thuỷ hoả đạo tặc” nhấn chìm những làng mạc, đô thị, trong biển nước mênh mông như “chiếc đòn gánh” miền Trung và Nam Trung bộ vừa qua từng chịu đựng.
Bảo vệ rừng ngập mặn Đất Mũi cũng là để phát triển Đất và Nước |
Ngành tài nguyên và môi trường qua nhiều hội nghị, hội thảo, khảo sát trong nước và quốc tế đã cảnh báo nguy cơ và hậu hoạ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với nước ta. Cảnh báo vẫn chỉ là cảnh báo trên giấy tờ, văn bản và truyền thông. Điều đang cần là hoạt động cụ thể, thiết thực về khai thác, giữ gìn tài nguyên nước, đồng thời với hạn chế những thảm hoạ “thuỷ hoả đạo tặc”.
Qua các thời đại lịch sử, do hiểu biết sâu sắc vị trí địa lý của nước ta, các thế hệ cha ông ta luôn luôn xem việc trị thuỷ là hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời từng nhắc nhở: “Nước lụt thì lút cả làng. Đắp đê, chống lụt thiếp chàng cùng lo”. Ở Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân đã từng có Bộ Thủy Lợi lo việc nước. Đến nay, vì nhiều lý do, Bộ này chỉ còn một cơ quan nhỏ bé nằm trong một Bộ ôm cả nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Ai là người lo giữ gìn, bảo vệ, khai thác, phát triển tài nguyên Đất và Nước?
Có người đặt câu hỏi: Đất nước ta hoàn toàn giải phóng, thống nhất, độc lập gần nửa thế kỷ rồi mà sao lĩnh vực đất đai vẫn lình xình, xảy ra bao nhiêu chuyện tiêu cực lãng phí trong sử dụng tài nguyên đất? Cũng gần nửa thế kỷ rồi không giải quyết và hạn chế được nạn hạn hán, lũ lụt gây bao cảnh thương tâm chúng ta phải đau lòng chứng kiến hàng ngày?
Mở mang khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch trong thời đại công nghiệp hoá và hiện đại hoá là tất yếu. Nhưng có phải đến mức ào ạt thu hẹp diện tích đất nông nghiệp màu mỡ? Ông cha ta đã từng đạt nhiều thành tựu trong công tác trị thuỷ mà các sách sử còn ghi. Nay chúng ta làm thuỷ điện, thuỷ lợi mà sao lũ lụt trận nào cướp đi bao mạng người và của cải cũng gọi là “lịch sử”?
Những công dân có trách nhiệm trước vận mệnh đất nước thường đặt ra nhiều câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội thay mặt họ đã phản ánh, trình bày, chất vấn các bộ, ngành trong kỳ họp. Các đại biểu Quốc hội thay mặt Dân đã nói thẳng, nói thật với tất cả tâm huyết. Đó cũng chính là xuất phát từ tình yêu Đất Nước, Đất và Nước rất cụ thể./.