Dấu ấn Việt Nam tại Hội nghị cấp cao Mekong – Nhật Bản
Thủ tướng không chỉ đóng góp tích cực vào thành công chung của hội nghị mà còn góp phần đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản
- Quan hệ Việt – Nhật ngày càng phát triển
- Nhật Bản – đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản
Tối 21/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 4.
Chuyến đi của Thủ tướng không chỉ đóng góp tích cực vào thành công chung của hội nghị với nhiều sáng kiến thúc đẩy thực chất cơ chế hợp tác Mekong- Nhật Bản mà còn góp phần đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Dấu ấn của Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 4 trước hết là việc Chính phủ các nước Mekong và Nhật Bản thông qua Chiến lược Tokyo với tầm nhìn mới đến năm 2015, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước thành viên, phát huy hơn nữa tiềm năng cơ chế hợp tác này.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự hội nghị |
Chiến lược Tokyo xác định ba trụ cột hợp tác mới giữa các nước Mekong và Nhật Bản. Đó là: Tăng cường kết nối trong khu vực Mekong và giữa Mekong với các nước bên ngoài; Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước, nâng cao vị trí của khu vực Mekong trong chuỗi giá trị toàn cầu; Hợp tác về môi trường và an ninh con người.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nhấn mạnh: Khai thác và phát triển khu vực sông Mekong là chìa khóa cho sự phát triển và ổn định của khu vực Đông Á.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khẳng định: Nhật Bản sẽ huy động các công cụ chính sách cả khu vực công và tư để triển khai mạnh mẽ những sự hợp tác này. Nhật Bản đề xuất 57 dự án hạ tầng chủ yếu để đóng góp cho tăng trưởng trong khu vực Mekong, dự kiến quy mô là 2.300 tỷ yên. Nhật Bản sẵn sàng cung cấp khoản vay bằng đồng yên, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật trong 3 năm tới với tổng số vốn 600 tỷ yên.
Trong số 57 dự án ODA mà Nhật Bản hỗ trợ triển khai tại các nước tiểu vùng Mekong thì có tới 26 dự án thực hiện tại Việt Nam như: Cảng Lạch Huyện, Nhà ga T2 Nội Bài, sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép-Thị Vải, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM…
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Việt Nam là một trung tâm mà có thể gắn kết được với các nền kinh tế khác trong khu vực tiểu vùng Mekong, do đó chúng ta phải gắn kết được hết hành lang kinh tế đông tây với đường Hồ Chí Minh, rồi gắn kết các đường quốc lộ giữa bắc và nam trong tiểu vùng Mekong, như vậy sẽ chiếm rất nhiều trong dự án của Việt Nam chúng ta.
Ngay Bộ GTVT cũng có lãnh đạo tham gia trong đoàn chính thức của Thủ tướng đi lần này đã bàn cụ thể với bạn kế hoạch triển khai. Thủ tướng đã chỉ đạo sát sao Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan thời gian tới sẽ xây dựng đề án cụ thể để triển khai gấp với tốc độ giải ngân nhanh để trong thời gian 3 năm theo dự án từ 2012 đến 2015 chúng ta có thể gắn kết toàn bộ đường biển, đường bộ cũng như đường sông trong khu vực.
Lãnh đạo các nước Mekong và Nhật Bản cũng đánh giá cao và ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về phát triển hệ thống vận tải đa phương thức. Đây là một điểm mới trong cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Trước đây chúng ta chỉ tập trung vào tăng cường kết nối về đường bộ, đường biển thì Thủ tướng đã đề xuất chúng ta sẽ tăng cường kết nối kể cả đường sông, như vậy sẽ giảm được chi phí, tận dụng được lợi thế của khu vực là có dòng sông Mekong và các dòng sông khác kết nối giữa các nước và như vậy sẽ giảm tải vận chuyển bằng đường bộ cũng như đường biển, qua đó tăng cường giao lưu hàng hóa cũng như du lịch giữa các nước trong Mekong với nhau và với bên ngoài khu vực”.
Một trong những vấn đề Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 4 đó là cần ưu tiên hơn nữa cho các hoạt động cụ thể hỗ trợ các nước ứng phó với lũ lụt, thiên tai, xâm nhập mặn, bảm đảm an ninh lương thực và quan trọng hơn cả là tìm ra giải pháp lâu dài cho việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Các nhà Lãnh đạo đã thống nhất tiến hành nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững nguồn nước Mekong, trong đó có tác động của đập thủy điện trên dòng chính.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định: “Sau khi chúng tôi đã có thống nhất trong Ủy hội sông Mekong tại phiên họp giữa tháng 12/2011 và cùng với Nghị quyết lần này, trong thời gian vừa rồi chúng tôi đã tiến hành các bước mời tư vấn của nước ngoài sẽ cùng với các nước liên quan sẽ tiến hành nghiên cứu toàn diện, nhất là tác động các công trình thủy điện. Vừa rồi chúng tôi đã làm xong đề cương này và sẽ gửi các nước để lấy ý kiến”.
Mặc dù không phải chuyến thăm chính thức Nhật Bản nhưng nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm quan trọng với người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản và tiếp xúc với các quan chức cấp cao Nhật Bản, các tập đoàn kinh tế và giới truyền thông Nhật Bản.
Thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn truyền tải tới Hoàng Gia, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Nhật Bản, đó là tiềm năng để hai bên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ cả ở cấp độ song phương và đa phương còn rất lớn, có thể bổ trợ cho nhau cùng phát triển mạnh mẽ và toàn diện.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cũng khẳng định rõ quyết tâm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả thông qua triển khai tích cực hàng loạt chương trình, dự án hợp tác lớn mang tính chiến lược trong các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu… và trước mắt hai bên phối hợp chặt chẽ để tổ chức các hoạt động ý nghĩa trong Năm Hữu nghị Việt-Nhật 2013, kỷ niệm 40 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đây là dấu mốc quan hệ ngoại giao quan trọng giữa Việt Nam và Nhật Bản, góp phần củng cố và phát huy mạnh mẽ tinh thần "Đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á"./.