Đau lòng khi con trẻ trở thành nơi trút thù hận của người lớn
VOV.VN - Các bé bị bạo hành, bị cha đẻ trút giận, giết hại đều có chung một hoàn cảnh là bố mẹ ly dị.
Vụ việc bé trai 12 tuổi Trần Hoài Nguyên Khánh bị bố đánh gãy xương sườn, rạn hộp sọ chưa kịp lắng xuống thì lại xuất hiện trường hợp bé trai 9 tuổi cũng ở ngay Hà Nội bị bố đánh thâm tím hết mình mẩy khiến dư luận vừa bức xúc vừa lo ngại. Đỉnh điểm hơn nữa là vụ ông bố ở Gia Lai đâm chết đứa con 5 tuổi của mình khiến nhiều người ớn lạnh, căm giận. Và các bé này đều có chung một hoàn cảnh là bố mẹ ly dị và các em phải hứng chịu những bi kịch từ những cuộc hôn nhân tan vỡ đó.
Ly hôn có thể giải thoát cho người lớn nhưng những hệ lụy của nó với những đứa trẻ lại vô cùng lớn nếu như chính những người làm cha mẹ lại tìm cách trút giận người kia lên đầu đứa con chung của hai người. Những hành động đối xử với con cái như với quân thù không ai có thể cắt nghĩa được.
Bé trai 12 tuổi này sống với bố sau khi cha mẹ ly hôn. |
Chưa bao giờ môi trường sống của trẻ em lại bất an như bây giờ. Nếu như trước kia, các phương tiện truyền thông phát giác các trường hợp bảo mẫu, giáo viên mẫu giáo và thỉnh thoảng có giáo viên tiểu học, trung học và trung học phổ thông đánh, mắng học sinh thì nay, nơi được cho là bình yên nhất – mái ấm của các em, lại là nơi nguy hiểm nhất. Vì sao những người thân yêu nhất với các em lại ra những đòn chí mạng, thủ ác với đứa con đẻ của mình như vậy?
Trong khi đó, các tổ chức, cơ quan được thành lập ra để bảo vệ các em thì lại gần như bất lực, không thể kiểm soát được tình hình. Họ gần như đứng ngoài cuộc. Đau lòng hơn, những vụ việc này lại xảy ra ở những trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội của đất nước hoặc địa phương.
Ngày nay, người ta nói nhiều đến việc dạy con bằng kỷ luật, bằng sự nghiêm khắc, kiên quyết của cha mẹ chứ không phải bằng đòn roi. Dạy con bằng đòn roi thể hiện sự bất lực trong cách nuôi dạy con cái. Thế nhưng, với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay thì khó tránh khỏi việc dùng đòn roi để dạy trẻ. Nhưng chỉ có thể dừng ở mức để dạy dỗ chứ không phải thỏa mãn cơn nóng giận của người lớn và cần phân biệt với bạo hành. Ranh giới giữa đòn roi và bạo hành rất mong manh nếu người lớn không kiểm soát được hành động của mình. Trẻ con cũng rất nhạy cảm, các em đủ nhận thức để biết đâu là đòn roi để uốn nắn những sai sót của bản thân và đâu là bạo hành.
Người Việt ta có câu “Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy”. Nếu những người làm cha mẹ luôn lấy đòn roi, bạo lực để dạy con mình thì sau này các em cũng sẽ sử dụng đòn roi để dạy con mình. Thậm chí, khi những người làm cha mẹ về già sẽ phải gánh chịu sự hận thù từ chính những đứa con do mình dứt ruột sinh ra./.
Nhìn lại những vụ án bạo hành trẻ em rúng động dư luận