Đau lòng những cái chết cuối năm
Hầu hết nguyên nhân các vụ tai nạn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người lao động, trong khi một số chủ sử dụng lao động chỉ chú tâm tới lợi nhuận.
Chỉ trong 2 ngày nghỉ cuối tuần qua, người dân cả nước sững sờ vì đón nhận những cái tin về 2 vụ tai nạn lao động liên tiếp. Đó là vụ tai nạn tang thương tại công trình thuỷ điện Suối Sập 1, huyện Bắc Yên- tỉnh Sơn La, làm 8 công nhân tử nạn và vụ tai nạn lở đá do khai thác vàng trái phép ở huyện Vị Xuyên, Hà Giang làm 2 phụ nữ thiệt mạng. Một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng mất an toàn lao động lại gióng lên, khi năm 2011 đang dần khép lại.
Tai nạn kinh hoàng xảy ra ngay đầu giờ làm việc buổi sáng ngày 17/12 tại Công trình Thủy điện Suối Sập 1. Kíp làm việc trong đường ống dẫn nước về turbine của nhà máy đã bất ngờ bị cả ngàn mét khối nước trong lòng hồ thuỷ điện ập vào, cuốn phăng 8 người thợ vào sâu trong lòng đường ống dẫn. Nguyên nhân đang được các cơ quan chức năng làm rõ, nhưng có một nguyên nhân ai cũng thấy, đó là do sự bất cẩn trong quá trình lao động.
Vụ việc thứ 2 xảy ra chỉ 1 ngày sau đó: Một tảng đá lớn lăn từ trên đỉnh núi xuống thôn Lùng Trang, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, Hà Giang làm 2 phụ nữ đi đào vàng bị thiệt mạng, 1 phụ nữ khác bị thương. Cái chết đau lòng của 2 phụ nữ là do họ đã cố tình phớt lờ cảnh báo nguy hiểm từ các cơ quan chức năng về tình trạng lở núi; bất chấp cái chết luôn rình rập, tìm cơ hội vào khai thác vàng trái phép để mong được đổi đời. Vậy là cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn cộng với sự thiếu hiểu biết, liều lĩnh đã khiến họ phải trả giá bằng cả sinh mạng. Thật đau lòng. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho tất cả những ai có chung những suy nghĩ như họ.
Khâm liệm cho những nạn nhân tại công trình thủy điện Suối Sập |
Nhưng cái đáng suy nghĩ hơn bởi đây không phải là trường hợp đầu tiên. Từ nhiều năm nay, rất nhiều vụ tai nạn lở núi xảy ra do khai thác tài nguyên trái phép. Hẳn nhiều người còn nhớ vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra ở mỏ đá Lèn Cờ, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vào tháng 4 vừa qua làm 18 người chết và 6 người bị thương. Đây là nỗi đau đớn tột cùng của thân nhân những người bị nạn và tất cả chúng ta. Nạn nhân hầu hết đều là những người lao động nghèo, không có bảo hiểm hay bảo hộ lao động. Đáng buồn là trong số đó rất nhiều người là phụ nữ.
Những vụ tai nạn tương tự cũng đã xảy ra rất nhiều tại Nghệ An và các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hoá- những địa phương có nhiều núi đá. Và nguyên nhân thì gần như là hoàn toàn giống nhau- do chủ mỏ quen với kiểu khai thác “mì ăn liền”, cho công nhân khai thác từ dưới chân núi lên hoặc từ giữa lòng núi ra. Cách khai thác như thế sẽ nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn, tiền lợi thu về cho chủ mỏ cũng nhanh hơn. Nhưng kết quả là tai hoạ đã xảy ra và cướp đi sinh sinh mạng của hàng chục công nhân- những con người khốn khó, thiếu hiểu biết và vô cùng đáng thương.
Một vụ việc đau lòng khác xảy ra vào tháng 10 năm nay tại thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Đó là vụ tai nạn điện thảm khốc làm 6 người chết tại chỗ, 2 người khác bị thương. Những công nhân này đang dùng 3 lăng xích, tời chiếc cột điện để dựng ngay dưới lưới điện cao thế. Khi cây cột điện dần được dựng đứng lên thì chiếc tời chạm vào đường dây cao thế, khiến dòng điện truyền xuống theo sợi xích mà 6 lao động đang kéo. Như vậy, cái chết của cả 6 người là không thể tránh khỏi.
Trắng khăn tang vụ tai nạn điện giật thảm khốc tại Nông Cống, Thanh Hóa (Ảnh: KT) |
Rõ ràng, trong số những nguyên nhân của vụ việc này, có nguyên nhân từ sự thiếu hiểu biết. Các công nhân này làm việc ngay dưới đường điện cao thế, lẽ ra phải rất cẩn trọng, yêu cầu ngắt điện trước khi họ dựng cột điện lên. Nhưng họ đã không làm thế và kết cục xấu đã xảy ra.
Những ngày cuối năm này, các hoạt động chuẩn bị cho Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 14, năm 2012 đã bắt đầu khởi động. Các cuộc hội thảo về an toàn lao động cũng liên tục được tổ chức.
Suốt 13 năm qua, chúng ta đã tốn khá nhiều tiền của cho việc tổ chức các Tuần lễ này, trong đó có việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về an toàn lao động, nhưng số vụ tai nạn lao động vẫn nhiều, số người chết và bị thương vẫn không giảm. Các chuyên gia về an toàn lao động đều nhận thấy, cần phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, để nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động về vấn đề đảm bảo an toàn lao động. Nhưng cái điệp khúc này cứ lặp đi lặp lại hết năm này đến năm khác.
Nguyên nhân của các vụ tai nạn, hầu hết là do sự thiếu hiểu biết của người lao động, do sự liều lĩnh, chỉ chú tâm đến lợi nhuận của một số chủ sử dụng lao động. Nhưng dường như chưa có một sự phân tích, mổ xẻ tường tận vấn đề này. Hơn nữa, những chủ sử dụng lao động để xảy ra những cái chết đau lòng vẫn chưa bị pháp luật xử lý nghiêm minh, nên chưa có tác dụng răn đe triệt để.
Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 14, năm 2012 đang đến gần, năm 2011 cũng đang dần trôi qua. Thiết nghĩ, đã đến lúc, các ban ngành chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận: An toàn lao động là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, bởi nó đã cướp đi sinh mạng của biết bao người lao động đáng thương. Đưa ra những giải pháp hữu hiệu và có những biện pháp trừng phạt những chủ sử dụng lao động để xảy ra tai nạn lao động - cũng là những việc cần làm ngay./.